Căng thẳng chính trị ở Campuchia dần hạ nhiệt

(VOV5) - Ngày 16/9, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, đại diện đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền và Chủ tịch đảng đối lập Cứu nguy dân tộc (CNRP) Sam Rainsy có cuộc đàm phán nhằm phá vỡ thế bế tắc chính trị hiện nay. Mặc dù kết quả cuộc gặp còn hết sức khiêm tốn nhưng so với lần gặp trước, lập trường của hai bên đã không còn quá cách biệt và điều này có thể giúp Campuchia bước ra khỏi tình trạng bất ổn kéo dài 6 tuần qua sau cuộc bầu cử quốc hội hôm 28/7.


Căng thẳng chính trị ở Campuchia dần hạ nhiệt - ảnh 1
Người biểu tình trở nên thưa thớt tại quảng trường Tự Do trong ngày 16.9 - Ảnh: thanhnien

Khác với lần gặp trước chỉ diễn ra chưa đầy 30 phút, cuộc gặp giữa đại diện CPP và CNRP lần này kéo dài gần 5 tiếng tại trụ sở Quốc hội. Theo thỏa thuận đạt được, hai bên sẽ tuân theo ý chỉ của Quốc vương Norodom Sihamoni không để bạo lực tiếp tục xảy ra, nhất trí thành lập một ủy ban chung để cải cách công tác bầu cử trong tương lai và đồng ý tiếp tục gặp nhau để giải quyết những vấn đề của đất nước sau bầu cử. Dù chưa đi đến một thỏa hiệp cụ thể nhưng theo đánh giá của giới quan sát, đảng CPP của Thủ tướng Hunsen đã đạt được lợi thế sau đàm phán khi CNRP không đạt được bất cứ yêu sách nào. Trước đó, dù hầu hết dư luận và các cấp có thẩm quyền đều công nhận chiến thắng của đảng CPP trong cuộc bỏ phiếu ngày 28/7, nhưng đảng đối lập CNRP vẫn kiên quyết bác bỏ, cáo buộc có gian lận trong bầu cử và yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra độc lập về các cáo buộc này.

Trong khi đó, ngày 16/9, tức là ngày thứ 2 trong đợt biểu tình kéo dài 3 ngày mà đảng CNRP phát động, từng đoàn người biểu tình đã lặng lẽ rút khỏi quảng trường Tự do, nơi những người ủng hộ đảng CNRP tập trung để biểu tình phản đối kết quả bầu cử quốc hội, với dáng vẻ mệt mỏi và chán nản. Số người tham gia biểu tình đã rút xuống nhanh chóng từ 20.000 người xuống còn hơn 1.000 người và theo ghi nhận của nhiều nguồn tin tại hiện trường, số người biểu tình xuất hiện tại khu vực này trong ngày hôm nay tiếp tục thưa thớt. Những diễn biến mới này cho thấy tình trạng bất ổn tại Campuchia phần nào đã lắng dịu và có vẻ như những người biểu tình đang bối rối khi chưa tìm ra phương cách mới để đạt được yêu sách như mong muốn. Trước đó, bạo lực nổ ra tối 15/9 khi người biểu tình phá rào, khiêu khích bằng cách ném đá vào cảnh sát, buộc lực lượng an ninh phải sử dụng khí cay để giải tán đám đông, khiến 1 người chết và 5 người khác bị thương.

Có thể thấy, những diễn biến mới ở Campuchia phần nào phản ánh vai trò của đảng cầm quyền CPP do Thủ tướng Hunsen đứng đầu. Theo các nhà quan sát nhận định, mặc dù sau gần 3 thập kỷ lãnh đạo đất nước, đây là thách thức chính trị khó khăn nhất mà Thủ tướng Hunsen và đảng CPP của ông phải đối mặt khi mà nhiều ghế trong Quốc hội của đảng CPP rơi vào tay đảng CNRP, cản trở việc thành lập một chính phủ mới, nhưng ông Hunsen vẫn đang hoàn toàn chiếm ưu thế. Xét về thực tế, ông Hunsen hiện vẫn đang nắm quyền kiểm soát tuyệt đối với toàn bộ bộ máy nhà nước và các lực lượng an ninh. Hơn nữa, ông Hunsen là người đã từng có rất nhiều kinh nghiệm trong việc thu phục những nhân vật đối lập từ các đảng phái khác, đã từng được ông áp dụng trong các lần bầu cử trước và lần này chắc chắn cũng không loại trừ khả năng được nhà lãnh đạo CPP tiếp tục sử dụng nhằm thành lập được chính phủ mà không cần phải thương lượng với CNRP. Thêm vào đó, theo nhiều dự đoán, có thể ông Hunsen đang chuẩn bị một kế hoạch tấn công đối thủ đối lập tại tòa án bởi nhà lãnh đạo phe đối lập Rainsy đã từng bị tuyên án 11 năm tù vì những cáo buộc xuất phát từ các động cơ chính trị. Nhưng đây có thể chỉ là nước cờ cuối cùng của ông Hunsen bởi nó sẽ làm tổn hại đến hình ảnh một nhà lãnh đạo ôn hòa mà ông Hunsen đã nỗ lực xây dựng trong những năm gần đây. Trước thời điểm bỏ phiếu, chính ông Hunsen là người đã sắp xếp một lệnh ân xá hoàng gia cho ông Rainsy để ông này có thể trở về Campuchia, thể hiện sự rộng lượng và quan trọng hơn cả, hành động này đã ghi điểm trong mắt cử tri về hình ảnh một nhà lãnh đạo dân chủ.

Trong quá khứ, người dân Campuchia đã đặt tương lai của họ vào tay của một người đã giải thoát họ khỏi chế độ diệt chủng Khmer. Các kết quả của cuộc bầu cử năm 1998, 2003, 2008, càng khẳng định người dân đặt niềm tin nơi ông Hunsen là hoàn toàn đúng đắn. Trong những giai đoạn khó khăn nhất của đất nước, không thể phủ nhận vai trò của ông Hunsen trong việc đưa đất nước đi dần lên và phát triển ổn định. Chiến lược toàn diện của ông xoay quanh sự ăn khớp của ba yếu tố: sự ổn định chính trị, nguồn viện trợ và đầu tư nước ngoài, tạo ra việc làm và đưa người dân Campuchia đến gần hơn với giấc mơ hòa bình và thịnh vượng.

Một giai đoạn thương lượng có thể sẽ kéo dài giữa CPP và CNRP là điều mà giới quan sát nhận định. Tuy nhiên những thỏa thuận mới vừa đạt được giữa đại diện hai đảng phái phần nào giúp hạ nhiệt căng thẳng tại Campuchia khi mà cả hai bên đều cam kết không để tình trạng bạo lực tiếp diễn. Đây là điều kiện cần thiết để Campuchia ổn định, xây dựng nên một chính phủ đoàn kết, đưa Campuchia tiếp tục phát triển phồn thịnh./.

Phản hồi

Các tin/bài khác