Cuộc chạy đua vào Bắc Cực

(VOV5) - Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa có chuyến công du 3 ngày tới Bắc Cực, đánh dấu nỗ lực của Mỹ trong cuộc đua giành quyền kiểm soát ở khu vực hoang sơ được đánh giá là có nhiều tài nguyên thiên nhiên bật nhất thế giới hiện nay, đặc biệt là dầu mỏ.

Cuộc chạy đua vào Bắc Cực - ảnh 1
Ảnh minh họa theo: vietnamnet.vn


Biến đổi khí hậu trong những năm gần đây đang khiến băng ở Bắc Cực tan nhanh và đây có thể là thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất mà cả nhân loại đang phải đối mặt. Dự báo tới năm 2030, phần lớn băng ở Bắc Cực sẽ tan chảy. Tuy nhiên, những thay đổi về khí hậu ở Bắc Cực lại đồng thời mở ra một cơ hội chưa từng có cho con người có thể tiếp cận và khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng dồi dào tại đây.

 

Cuộc đua giữa các cường quốc

Thời gian qua, Nga đã nhanh chóng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình tại Bắc Cực, với việc tăng cường cơ sở hạ tầng và sự hiện diện quân sự. Năm 2014, Tổng thống Nga V.Putin đã quyết định chi tới hơn 4,2 tỉ USD cho chương trình phát triển Bắc Cực trong 5 năm để phát triển quân sự và công nghiệp tại đây. Cuối tháng 3 vừa qua, Nga đã thực hiện một cuộc tập trận quân sự quy mô lớn với sự tham gia của 40.000 binh sĩ, hàng chục tàu ngầm cùng tàu chiến tại Bắc Cực. Mới đây nhất, ngày 31/8, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định trước cuối năm 2015, Nga sẽ tăng cường triển khai lực lượng vũ trang ở khu vực này, theo đó bổ sung một trung đoàn máy bay chiến đấu hải quân và một trung đoàn phòng không cho lực lượng hiện có.

 

Không muốn chậm chân so với Nga, Mỹ cũng nhanh chóng triển khai chiến lược quốc gia mới đối với khu vực giầu tiềm năng này. Cụ thể, nước này đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với các đồng minh trong việc giải quyết các vấn đề môi trường, an ninh và kinh tế ở Bắc Cực, nâng cao khả năng tìm kiếm và cứu hộ cơ sở hạ tầng quân sự, duy trì hệ thống radar cảnh báo sớm ở phía bắc.

 

Không chỉ có Mỹ, Nga tìm đến Bắc Cực mà nhiều quốc gia khác cũng đang cố gắng tăng cường phạm vi và sự hiện diện ở khu vực này. Trung Quốc tuyên bố nước này có lợi ích chiến lược ở Bắc Băng Dương và xây dựng cho mình một hạm đội tàu phá băng. Bắc Kinh còn nỗ lực giành được tư cách “quan sát thường trực” tại Hội đồng Bắc Cực. Hội đồng Bắc Cực là một diễn đàn liên chính phủ gồm 8 nước (Canada, Đan Mạch,Hoa Kỳ, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thuỵ Điển và Nga), chính thức được thành lập năm 1996 để thảo luận về các vấn đề liên quan đến môi trường và phát triển tại khu vực. Trong một động thái thể hiện tham vọng của mình, đúng ngày ông B.Obama đặt chân đến Bắc Cực thì ngoài khơi Alaska xuất hiện một biên đội tàu chiến lên tới 5 chiếc của Trung Quốc "chào đón". Đội tàu gồm một tàu đổ bộ, ba tàu chiến và một tàu hậu cần xuất hiện tại vùng biển Quốc tế ngoài khơi Alaska cũng đủ cho thấy tham vọng của người Trung Quốc tại khu vực nhiều tài nguyên thiên nhiên này.

 

Ai sẽ giành quyền kiểm soát?

Theo các số liệu của Liên Hợp quốc, ước tính tại Bắc Băng Dương có đến 1/4 tài nguyên của trái đất còn chưa được phát hiện. Còn căn cứ theo đánh giá của Cơ quan địa chất Mỹ thì khu vực này sở hữu 30% trữ lượng khí đốt thế giới, 13% trữ lượng dầu mỏ, 10% than đá và các khoáng sản khác, kể cả đất hiếm. Chính điều này đang thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các nước ở trong và ngoài khu vực Bắc Cực, để giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên tiềm năng, hiện còn tiềm ẩn dưới nước và các lớp băng dầy.

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, dường như trong cuộc đua này Nga đang chứng tỏ ưu thế hơn hẳn. Năng lực của Mỹ ở khu vực này rõ ràng vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó hạn chế lớn nhất là Mỹ thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết để có thể duy trì sự hiện diện ở Bắc Cực. Hạm đội ở Bắc Cực của tuần duyên Mỹ hiện tại chỉ có 2 tàu phá băng có khả năng hoạt động, trong khi đó Nga có tới 40 chiếc tàu phá băng cùng với 11 tàu đang được chuẩn bị đóng mới. Mỹ hiện cũng chưa có cảng biển ở phía Bắc, thiếu phương tiện hỗ trợ cho những nỗ lực tìm kiếm, cứu hộ và giám sát môi trường. Thêm vào đó, Mỹ không có lợi thế về địa lý và nhân khẩu so với Nga trong cuộc đua giành ảnh hưởng ở Bắc Cực khi có tới hơn 60% diện tích đất Bắc Cực thuộc lãnh thổ Nga và hơn 80% dân số Bắc Cực sống ở Nga. Vì thế, nhận thức rõ những điểm yếu này, trong chuyến thăm 3 ngày vừa qua tới Bắc Cực, Tổng thống Obama đã đề xuất tăng thêm ngân sách để xây dựng một hạm đội tàu phá băng mới cho Tuần duyên Mỹ có cơ hội tuần tra trong khu vực quanh năm. Nhà Trắng hy vọng những tàu phá băng lớn này sẽ giúp đảm bảo rằng Mỹ có thể đáp ứng đầy đủ lợi ích quốc gia, bảo vệ và quản lý tài nguyên thiên nhiên và tăng cường mối hợp tác quốc tế cũng như giữa nhà nước với địa phương và các bộ lạc.

 

Trong khi đó, Trung Quốc, mặc dù có nhiều tham vọng, nhưng rõ ràng khoảng cách địa lý và những khó khăn kinh tế hiện tại sẽ gây ra những hạn chế nhất định trên con đường Bắc Kinh tìm kiếm con đường hàng hải mới ở Bắc Băng Dương. Cuộc đua giành chủ quyền ở Bắc Cực, khu vực hoang sơ được đánh giá là có nhiều tài nguyên thiên nhiên bật nhất thế giới hiện nay, mới chỉ bắt đầu và chắc chắn sẽ khốc liệt hơn trong thời gian tới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác