Đảm bảo triển khai hiệu quả chính sách giảm nghèo đa chiều

(VOV5) - Theo kế hoạch, bắt đầu từ 1/1/2016, Việt Nam sẽ chính thức triển khai các chính sách theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều, một chính sách mới được kỳ vọng sẽ bảo đảm mức sống toàn diện hơn cho người dân trong 5 năm tới. Hiện nay nhiều Bộ, ngành liên quan cùng các địa phương tích cực chuẩn bị để việc thực hiện chính sách đạt hiệu quả cao.

Đảm bảo triển khai hiệu quả chính sách giảm nghèo đa chiều - ảnh 1
Một trong những tiêu chí bình xét hộ nghèo theo đa chiều là phải có thẻ bảo hiểm y tế. Ảnh: baotintuc.vn


Những năm trước, tiêu chí xác định hộ nghèo thường được đo lường thông qua thu nhập. Chuẩn nghèo được xác định dựa trên mức chi tiêu đáp ứng những nhu cầu tối thiểu và được qui ra bằng tiền. Dấu mốc trong chuyển đổi từ phương pháp đo lường đơn chiều sang đa chiều là ngày 15/9/2015 Thủ tướng ký Quyết định phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020”. Theo đó, chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 của Việt Nam được xây dựng theo hướng: sử dụng kết hợp cả chuẩn nghèo về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Và để một chính sách phát huy hiệu quả trên thực tế đòi hỏi sự chuẩn bị về năng lực, nguồn lực cũng như sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các ngành.  


Triển khai đồng bộ ở Trung ương

Theo Đề án, Quý IV/2015, các cơ quan chức năng sẽ tổng hợp, báo cáo kết quả điều tra, xác định phân loại các đối tượng theo tiêu chí nghèo đa chiều của cả nước và từng địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Song song với quá trình đó, xây dựng và chuyển giao phần mềm trực tuyến, quản lý đối tượng nghèo trong cả nước, nhập dữ liệu điều tra để theo dõi kết quả thực hiện các chính sách giảm nghèo. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương rà soát, xác định số hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện trong năm 2016 gắn với triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2016-2020 vừa được Quốc hội thông qua. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách đặc thù đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những địa bàn đặc biệt khó khăn, nhất là về đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sạch, y tế, giáo dục, phát triển ngành nghề, khuyến nông, khuyến lâm…”.

Đảm bảo triển khai hiệu quả chính sách giảm nghèo đa chiều - ảnh 2
Vùng cao nguyên Đá Đồng Văn - Hà Giang rất cần được giảm nghèo bền vững. Ảnh: Thùy Dương


Dựa trên sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê và các Bộ, ngành liên quan xây dựng các tiêu chí về chuẩn mức sống tối thiểu, chuẩn nghèo chính sách, tiêu chí mức sống trung bình; chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, trình Thủ tướng. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng vừa hoàn thành việc tập huấn truyền thông cho cán bộ cấp xã, huyện hiểu về phương pháp giảm nghèo đa chiều. Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ công bố tỷ lệ thiếu hụt các nhu cầu xã hội của cả nước và từng địa phương, phân tích mức độ thay đổi, làm cơ sở để định hướng các chính sách phát triển kinh tế vùng, lĩnh vực, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội. Theo ước tính, để thực hiện các chính sách hỗ trợ đối tượng nghèo, cận nghèo năm 2016, dự kiến ngân sách tăng khoảng 15 nghìn tỷ đồng so với năm 2015. Do đó, Bộ Tài chính có trách nhiệm tính toán cân đối nguồn lực. Ngoài ra, các Bộ, ngành khác như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng cũng tham gia đề xuất giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận của người dân về dịch vụ khám chữa bệnh, tăng tỷ lệ trẻ em đến trường đúng độ tuổi, tăng tỷ lệ người dân có nhà ở bảo đảm về diện tích và chất lượng....


Địa phương tích cực vào cuộc

Theo ông Ngô Trường Thi, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, quan điểm thực hiện giảm nghèo trong giai đoạn tới là sẽ đẩy mạnh phân cấp trao quyền cho cơ sở. Vì vậy, tại địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức điều tra, xác định đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội định kỳ; chủ động xây dựng giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân trên địa bàn.Một số tỉnh, thành phố đã chuẩn bị tổ chức Hội nghị triển khai Đề án tổng thể "Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020", tập huấn hướng dẫn Phương pháp, quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đối với cán bộ cơ sở. Căn cứ điều kiện và khả năng thực tế của địa phương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể bổ sung các nhu cầu xã hội cơ bản. Mặt khác, cũng tiến hành rà soát lại một cách đồng bộ các chính sách, không để chồng chéo, trùng lặp. Việc đề xuất ban hành chính sách quan tâm tới sự chủ động thoát nghèo của người dân. Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, ông Nguyễn Lâm Thành cho rằng: “ Thay đổi cách tiếp cận để nâng cao năng lực tự chủ, tự vươn lên của người dân là một động lực quan trọng, giảm bớt tư tưởng ỷ lại của một số bộ phận người nghèo. Chính sách giảm nghèo cần giảm bớt hỗ trợ trợ cấp cho không và hỗ trợ gắn với các điều kiện cụ thể. Đây là cách làm phù hợp.

Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đơn chiều sang đa chiều là một quá trình. Tuy nhiên việc nghiêm túc chuẩn bị triển khai của các cấp, các ngành, địa phương sẽ giúp việc thực hiện chủ trương này đạt hiệu quả nhanh hơn, góp phần đảm bảo nội dung Điều 34 Hiến pháp 2013 là “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác