Hoa Kỳ nỗ lực gia tăng ảnh hưởng ở Trung Á

(VOV5) - Kết quả chuyến thăm cho thấy Mỹ đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Trung Á tuy nhiên đây không phải là nhiệm vụ dễ thực hiện.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa kết thúc chuyến thăm 4 ngày tới các nước Trung Á. Đây là lần đầu tiên một Ngoại trưởng Mỹ tới thăm cả 5 nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô trước đây trong một chuyến đi. Kết quả chuyến thăm cho thấy Mỹ đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Trung Á tuy nhiên đây không phải là nhiệm vụ dễ thực hiện.                                                                                 

Hoa Kỳ nỗ lực gia tăng ảnh hưởng ở Trung Á    	 - ảnh 1
Ngoại trưởng Mỹ Kerry tới Kyrgyzstan. (ảnh: Getty).


5 nước cộng hòa Trung Á mà ông John  Kerry đến thăm gồm Tadjikistan, Uzbekistan, Kirghizstan, Kazakhstan và Turkmenistan. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ diễn ra sau cảnh báo của các quan chức Nga về mối nguy hiểm của những nhóm vũ trang Hồi giáo tại Afghanistan có nguy cơ lan ra toàn khu vực. Những điểm đến của ông Kerry trở nên quan trọng đối với Mỹ vì tình hình Afghanistan diễn biến không theo mong đợi cũng như việc nhiều đối tác khác đã và đang gây dựng được ảnh hưởng ở khu vực.

Hợp tác an ninh là trọng tâm hàng đầu

Mỹ và các nước Trung Á hiện đều có chung mối quan tâm về một số vấn đề, trong đó có cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Vì vậy dễ hiểu khi một loạt vấn đề trong chương trình nghị sự mà Ngoại trưởng John Kerry đề cập với các nước Trung Á bao gồm an ninh toàn cầu và khu vực, cuộc chiến chống khủng bố. Đơn cử trong chuyến thăm tới Tajikistan ngày 3/11, ông Kerry tìm cách đảm bảo với lãnh đạo các nước Trung Á trước mối lo ngại của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, đặc biệt là khi Mỹ giảm quy mô hiện diện quân sự trong khu vực. Tại thủ đô Dushanbe, ông Kerry có cuộc gặp với Tổng thống Tajikistan Imomali Rakhmon, khẳng định cam kết của Mỹ đối với an ninh biên giới với Afghanistan. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đảm bảo rằng Mỹ vẫn giữ các cam kết về một Tajikistan có chủ quyền an ninh và phát triển thịnh vượng. Hoa Kỳ muốn hợp tác với Tajikistan để giải quyết các thách thức kinh tế, an ninh.

Trong khi đó, tại thủ đô Astana, Ngoại trưởng Mỹ đồng chủ trì vòng đối thoại chiến lược Mỹ-Kazakhstan lần thứ 4. Sở dĩ Mỹ chọn Kazakhstan để đối thoại chiến lược vì về mặt kinh tế, Kazakhstan đóng góp đến 2/3 GDP của khu vực Trung Á. Quốc gia này cũng là ngã tư chính của Trung Á, một vị trí địa – chính trị then chốt trong khu vực và là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên to lớn.

Hoa Kỳ nỗ lực gia tăng ảnh hưởng ở Trung Á    	 - ảnh 2
Pakistan chặn tuyến đường trung chuyển của Mỹ đến Afghanistan qua lãnh thổ nước này. Ảnh: Daily Mail.


Nhân chuyến công du của ông John Kerry, Mỹ và 5 nước Trung Á đã có ý tưởng thiết lập khuôn khổ quan hệ đa phương mới đồng thời với các mối quan hệ song phương, được gọi là 5+1. Nếu ý tưởng này được triển khai thực hiện và từng bước thể chế hóa thì Mỹ sẽ có được cơ hội thật sự để không chỉ đuổi kịp mà còn đi nhanh hơn không ít đối tác bên ngoài khác trong việc nâng tầm ảnh hưởng ở khu vực này.


Cạnh tranh với nhiều quốc gia để gia tăng ảnh hưởng

Ý định gia tăng ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Á là rõ ràng song chính quyền Tổng thống Barak Obama cũng ý thức được rằng đây là nhiệm vụ không dễ thực hiện. Trung Á được coi là trọng tâm của nhiều chương trình nghị sự ngoại giao toàn cầu do vị trí quan trọng. Đây là một khu vực có trữ lượng dầu mỏ, khí đốt dồi dào, các nước trong khu vực có vai trò đặc biệt trong việc thực hiện chiến lược chống chủ nghĩa khủng bố. Chính vì vậy, thời gian qua Trung Á thường xuyên đón tiếp nhiều nhà lãnh đạo thế giới. 

Hoa Kỳ nỗ lực gia tăng ảnh hưởng ở Trung Á    	 - ảnh 3
Một vụ hành quyết tập thể các binh sĩ Iraq của IS. (Ảnh: Reuters)


Đối với Mỹ, Trung Á là khu vực quan trọng, nhất là trong việc vận chuyển hàng hóa khi rút quân khỏi Afghanistan và giám sát sự phát triển ổn định của nước này trong tương lai. Ngoài ra, những lợi ích của Mỹ tại khu vực này còn có thể giúp Mỹ áp đặt ảnh hưởng lên một số quốc gia khác. Vì vậy, từ năm 1999, Mỹ đã có ý xây dựng khu vực Trung Á thành một đường Tơ Lụa mới, một khu vực kinh tế năng động và kết nối bao gồm Afghanistan và những nước vùng Trung và Nam Á. Sự hiện diện của quân đội Mỹ vào năm 2001 ở Afghanistan và sau đó là ở Kirghizstan đã khẳng định ý định của Mỹ muốn đóng "một vai trò quan trọng" ở khu vực Trung Á. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, kế hoạch của Mỹ không thu được kết quả như mong muốn khi mà quân đội Hoa Kỳ phải rút dần quân khỏi Afghanistan trong bối cảnh Afghanistan vẫn đang chìm trong bất ổn. Mỹ cũng rút khỏi căn cứ tại Manas ở Kirghizstan.

Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia khác đã và đang gia tăng sự hiện diện tại khu vực này. Ví dụ như việc Nga đang duy trì ảnh hưởng tại các nước Trung Á, với việc quân đội nước này giúp đỡ Tajikistan bảo vệ biên giới và duy trì căn cứ quân sự tại Tajikistan và Kyrgyzstan. Một số nước Trung Á cũng đang là thành viên của các khối an ninh như Tổ chức hợp tác an ninh thượng Hải, Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể…Do đó ảnh hưởng của Nga trong khu vực sẽ ngày càng tăng. Trong khi đó, mới đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng có chuyến công du 5 nước Trung Á với mục đích chính là tăng cường hợp tác kinh tế.

Có thể nói chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Trung Á lần này là một nước cờ chính trị khi Mỹ đang cố gắng chứng minh nước này có thể duy trì cả sự hiện diện chính trị và quân sự tại khu vực này. Tuy nhiên ý đồ của Mỹ có thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác