Hội nghị cấp cao ASEAN 24 thể hiện tinh thần đoàn kết của ASEAN

(VOV5) - Ngày 10/5, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 sẽ khai mạc tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar với sự tham dự của nguyên thủ 10 quốc gia. Giữa lúc tình hình an ninh trên biển Đông đang có những diễn biến hết sức phức tạp trong những ngày qua với việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trên vùng thềm lục địa Việt Nam, Hội nghị lần này không chỉ là diễn đàn để Việt Nam bày tỏ lập trường chính nghĩa của mình trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, mà còn được xem như là dịp để ASEAN khẳng định lại tinh thần đoàn kết nội khối, một yếu tố để xây dựng thành công “một cộng đồng chung, một vận mệnh chung”.


Hội nghị cấp cao ASEAN 24 thể hiện tinh thần đoàn kết của ASEAN  - ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh. Ảnh: TTXVN

Trong 10 nước ASEAN, mặc dù chỉ có vài nước có liên quan trực tiếp đến chủ quyền trên Biển Đông, song chưa bao giờ chủ đề “biển Đông” thôi “nóng” trong các kỳ Hội nghị cấp cao cũng như các hội nghị liên quan của Hiệp hội. Bởi, đây không phải chỉ là vấn đề song phương giữa một vài nước ASEAN mà hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông là quan tâm chung của các nước ASEAN cũng như của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Biển Đông là vấn đề quan trọng được thảo luận

Một diễn biến đang khiến dư luận, không chỉ ASEAN mà cả thế giới, hết sức quan ngại là trong mấy ngày qua, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan trái phép của trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chính vì vậy, Hội nghị cấp cao ASEAN 24 càng đặt trọng tâm bàn thảo vào việc duy trì hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực. Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh, tại cuộc gặp gỡ báo chí ngày 6/5, khẳng định: “Đây chắc chắn là nội dung mà các nhà lãnh đạo ASEAN cũng như các cấp Bộ trưởng, cấp SOM sẽ bàn. Chắc chắn các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ thể hiện sự quan ngại và yêu cầu các bên kiềm chế, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp và không đe dọa hay sử dụng vũ lực ở Biển Đông. ASEAN có những nguyên tắc đã được thỏa thuận, đặc biệt là những nguyên tắc đã được đề ra trong tuyên bố 6 điểm của ASEAN tháng 7/2012. Chắc chắn các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ khẳng định lại những nguyên tắc đó”.

Tuyên bố 6 điểm của ASEAN thông qua tháng 7/2012 bao gồm phải đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nhấn mạnh việc tuân thủ Luật pháp quốc tế và công ước Luật Biển, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) cũng như sớm hướng tới Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC). Trong quá trình giải quyết những vấn đề phức tạp cần phải kiềm chế, tránh làm phức tạp thêm tình hình. Cao hơn tất cả là phải tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế theo Công ước Luật biển Liên hợp quốc 1982.

Rõ ràng, những hành động vừa qua của Trung Quốc đang đi ngược lại những cam kết và thỏa thuận khu vực trong đó có Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố chung Cấp cao ASEAN-Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC. Và những diễn biến phức tạp ở biển Đông hiện nay đã và đang đặt ra những thách thức đối với vai trò của  ASEAN trong việc xử lý các tranh chấp ở biển Đông.

Chia sẻ trách nhiệm duy trì hòa bình trên Biển Đông

Chính vì vậy, tại Hội nghị lần này, hơn lúc nào hết, ASEAN phải khẳng định lại những cam kết đã đạt được của mình trong gìn giữ hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải trên biển Đông, trong đó có việc sớm hoàn thiện một khuôn khổ pháp lý vững chắc, làm cơ sở giải quyết các phức tạp nảy sinh. Ông Lê Hải Bình, Quyền Vụ trưởng Vụ báo chí Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho rằng: “Việt Nam kêu gọi tất cả các bên cần triệt để tuân thủ các quy định trong tuyên bố DOC, vì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực. Đối với Bộ Quy tắc hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (COC), Việt Nam chia sẻ quan điểm chung của các nước ASEAN về việc cần sớm có Bộ quy tắc này, có tính ràng buộc pháp lý và điều chỉnh toàn diện các khía cạnh liên quan đến tranh chấp ở biển Đông, vì mục đích hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực trên cơ sở quyền và các lợi ích chính đáng của các quốc gia ven biển”.

Còn nhớ, năm 2012, khi ASEAN công bố “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông” đã xua tan những hoài nghi về sự bất đồng quan điểm giữa các nước thành viên Hiệp hội trong vấn đề Biển Đông nổi lên từ trước đó, sau khi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 không đưa ra được Tuyên bố chung.

2 năm qua, ASEAN luôn nỗ lực đoàn kết, đồng lòng phát huy vai trò trung tâm của mình trong các vấn đề “nóng” của khu vực, trong đó vấn đề biển Đông. Bởi, lợi ích quốc gia không thể tách rời khỏi lợi ích của khu vực. Không phải chỉ những quốc gia có biển mới liên quan mà tất cả các nước thành viên cần tăng cường chia sẻ trách nhiệm duy trì hòa bình trên Biển Đông. Trong khi ASEAN và các quốc gia liên quan đang gắng sức để COC sớm trở thành hiện thực, gắng sức để hiện thực hóa một cộng đồng chung ASEAN đoàn kết, thịnh vượng thì những hành động cố tình vi phạm những gì đã cam kết, đi ngược lại những nỗ lực chung của tất cả các bên liên quan, bất chấp luật pháp quốc tế sẽ không được đồng tình, ủng hộ. Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 và các Hội nghị liên quan diễn ra tại thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar, trong 2 ngày tới chắc chắn sẽ đi theo tinh thần đó./.

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác