Hợp tác giáo dục, dấu ấn nổi bật trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ

(VOV5) -  Cùng với hợp tác kinh tế, trao đổi giáo dục đã nổi lên như một điểm nhấn của mối quan hệ Việt-Mỹ thời gian qua.

Gần 17 nghìn du học sinh và nghiên cứu sinh Việt Nam tại Mỹ cùng hàng loạt các chương trình trao đổi và đào tạo giảng viên không chỉ tạo nên một nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai nước.

Hợp tác giáo dục, dấu ấn nổi bật trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ - ảnh 1
Bà Sandy Dang - Giám đốc điều hành VEF và cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear


Ngày 10/7/2015 đã trở thành một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ khi tại thành phố New York, trường Đại học Fulbright Việt Nam chính thức được trao giấy chứng nhận đầu trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Trường đại học Fulbright Việt Nam được khởi công xây dựng trong năm nay tại Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh với vốn đầu tư 70 triệu USD. Đây là trường đại học tư thục không vì lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam, chú trọng vào việc tuyển dụng các học giả và nhà khoa học xuất sắc trong nước. Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Michael Michalak cho rằng khuyến khích sự tham gia của các trường đại học quốc tế là bước đi rất cần thiết đối với Việt Nam hiện nay: “Việc thu hút các trường đại học quốc tế thành lập cơ sở giáo dục tại Việt Nam có vai trò cực kỳ quan trọng đối với giáo dục trong nước. Ngoài Harvard với dự án thành lập Đại học Fulbright Việt Nam thì nhiều trường đại học khác của Mỹ cũng mong muốn thành lập chi nhánh tại Việt Nam. Tôi cho rằng Việt Nam cần tiến hành cải cách để tạo điều kiện cho các mong muốn này trở thành hiện thực”.

Với gần 17.000 du học sinh, Việt Nam hiện đứng đầu các nước ASEAN và thứ 8 trên thế giới về số lượng du học sinh tại Mỹ. Không chỉ được tiếp cận với một nền giáo dục tiên tiến, những du học sinh này còn có cơ hội tích lũy kinh nghiệm làm việc tại các công ty Mỹ trong quá trình thực tập hoặc sau khi tốt nghiệp, trở thành một nguồn nhân lực thiết yếu trong xây dựng đất nước. Võ Hoàng An, một cựu du học sinh hiện đang làm việc cho một doanh nghiệp Mỹ chia sẻ: “Tuổi trẻ luôn mong muốn được cọ xát nhiều hơn nữa. Đã đi học ở đây rồi thì chúng em muốn được tiếp xúc với những gì giỏi hơn nữa ngoài kiến thức học từ nhà trường. Đó là lý do mà các bạn sau khi học xong thì đi làm hoặc thực tập một vài năm rồi mới mang những gì mình học được về Việt Nam. Mình sẽ về khi nào mình sẵn sàng nhất để phục vụ cho đất nước nhiều nhất”.

Trong khi đa phần các du học sinh đi học theo dạng tự túc kinh phí thì các học bổng của chính phủ Mỹ mà Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) là một điển hình cũng đã giúp không ít các sinh viên Việt Nam tiếp cận môi trường giáo dục hàng đầu thế giới. Được Quốc hội Mỹ thành lập năm 2000 với ngân sách khoảng 5 triệu USD/năm, VEF là một tổ chức trực thuộc chính phủ Mỹ và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trao đổi giáo dục sau đại học. Cho đến nay, Quỹ Giáo dục Việt Nam đã hỗ trợ hơn 500 học bổng để giúp các tài năng trẻ Việt Nam sang nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Mỹ. Hơn 300 trong trong số các nghiên cứu sinh này đã tốt nghiệp, phần lớn với học vị tiến sỹ. Ngoài ra, VEF cũng tài trợ cho hơn 30 giáo sư Mỹ sang giảng dạy tại các trường đại học tại Việt Nam, đặc biệt là tại các trường y. Bà Sandy Dang, Giám đốc điều hành VEF nhìn nhận, giáo dục là một cầu nối quan trọng trong quan hệ Việt-Mỹ: “Tôi cho rằng trao đổi giáo dục đóng vai trò vô cùng quan trọng, góp phần xây dựng và củng cố quan hệ Việt-Mỹ trong 20 năm qua. Hoạt động này không chỉ giúp các sinh viên Việt Nam có mặt tại những trường đại học danh tiếng nhất của Mỹ mà còn thúc đẩy giao lưu văn hóa, khi họ không chỉ quảng bá văn hóa Việt Nam tại Mỹ mà còn hiểu thêm rất nhiều về văn hóa, xã hội, cuộc sống ở đây. Tôi cho rằng hợp tác giáo dục đã góp phần đưa hai nước lại gần nhau hơn”.

Ngoài hỗ trợ học bổng, VEF còn phối hợp với các trường đại học Mỹ tiến hành đánh giá thực trạng giáo dục đại học và sau đại học tại Việt Nam để tìm hiểu những hạn chế, qua đó cùng chính phủ Việt Nam đề ra những giải pháp có thể đáp ứng tối đa nhu cầu giáo dục trong nước. Hiện, các trường đại học Mỹ đang xây dựng một mô hình giáo dục kết hợp giữa mô hình giáo dục Mỹ và điều kiện giáo dục hiện tại của Việt Nam, trong đó có tự chủ về chương trình giảng dạy và tài chính, nhằm tạo môi trường học tập mở hơn, năng động hơn. Bà Sandy Dang cho biết thêm: “Điều thú vị là chúng ta không áp dụng hoàn toàn mô hình giáo dục của Mỹ mà dựa trên nền tảng của Việt Nam. Đây là điểm rất quan trọng. Chúng tôi sẵn sàng giúp Việt Nam xây dựng một mô hình giáo dục thực sự đáp ứng được những nhu cầu cụ thể của Việt Nam”.   

Bên cạnh VEF, chính phủ Mỹ còn có một loạt các chương trình trao đổi giáo dục khác với Việt Nam như chương trình học bổng Fulbright, đào tạo tiếng Anh cho giáo viên trung học và đại học và gần đây nhất là Sáng kiến lãnh đạo trẻ Đông Nam Á do Tổng thống Barack Obama khởi xướng. Cùng với các lĩnh vực hợp tác khác, hợp tác giáo dục Việt Nam-Mỹ đang thực sự là cầu nối, góp phần đưa quan hệ đối tác toàn diện hai nước phát triển.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác