Lợi ích và vị thế quốc gia nhìn từ các mối quan hệ đối tác chiến lược

(VOV5) - Kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược đầu tiên với Nga năm 2001, cho tới nay, Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược với 14 quốc gia, trong đó có 2 đối tác chiến lược toàn diện. Các khuôn khổ quan hệ này đã góp phần tích cực triển khai hiệu quả quan hệ hợp tác mọi mặt của Việt Nam với các nước trên thế giới, không chỉ đem lại những lợi ích thiết thực về kinh tế, qua việc thiết lập khuôn khổ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, vị thế Việt Nam ngày càng được xác lập chắc chắn trên trường quốc tế.

 

Lợi ích và vị thế quốc gia nhìn từ các mối quan hệ đối tác chiến lược - ảnh 1


Thước đó quan hệ giữa hai quốc gia được xác định theo các cấp độ, từ đối tác song phương, đối tác khu vực tới đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện. Đối tác chiến lược hay đối tác chiến lược toàn diện là cụm từ chỉ quan hệ ngoại giao giữa 2 nước với nhau. Theo đó, hai bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên các lĩnh vực mà các bên cùng có lợi, đồng thời xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược.

 

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện với 2 quốc gia là Liên bang Nga và Trung Quốc, quan hệ đối tác chiến lược với 11 quốc gia là Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Anh, Đức, Italy, Indonesia, Thái Lan, Singapore và Pháp. Riêng về ý nghĩa số học, Việt Nam có quan hệ gắn với thị trường của 13 nước đối tác chiến lược có 3,5 tỷ người, với tổng GDP đạt gần 34 nghìn tỷ USD (gấp hơn 200 lần GDP của Việt Nam). Các đối tác chiến lược của Việt Nam, ở những mức độ khác nhau, đều đã có những đóng góp tích cực cho quan hệ song phương với đối tác cũng như tới “bàn cờ” đối ngoại chung của Việt Nam.

 

Phục vụ phát triển kinh tế đất nước

 

Khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược đã tạo ra nhiều cơ hội cho tăng cường hợp tác phục vụ phát triển. Trước hết, có thể khẳng định đầu tư trực tiếp từ các nước đối tác chiến lược là nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam. Hầu hết các dự án trọng điểm quốc gia là dự án hợp tác với một trong các đối tác chiến lược, có thể kể đến như Dự án nhà máy điện hạt nhân số 1 với Nga, số 2 với Nhật Bản; Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc; Hợp tác dầu khí với Liên bang Nga; Trung Quốc là nhà thầu công trình hạ tầng lớn của Việt Nam…

 

Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các đối tác chiến lược chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam trong xu hướng tăng đều ổn định. Tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với 14 đối tác chiến lược ước tính chiếm từ 70-80% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đáng chú ý, kim ngạch thương mại của Việt Nam với các đối tác chiến lược đều tăng từ 1,3 tới 6 lần so với thời điểm trước khi lập quan hệ đối tác chiến lược.

 

Khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược cũng tạo điều kiện để Việt Nam tham gia đàm phán một số hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực có tầm cỡ. Cùng với các hiệp định FTA đang có hiệu lực, Việt Nam cho đến nay đã thiết lập được mạng lưới đối tác FTA để tạo nền tảng quan hệ với tất cả các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới.

 

Bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế quốc gia

 

Vấn đề chủ quyền, biên giới lãnh thổ luôn là hiện thực khách quan trong quan hệ giữa nhiều nước láng giềng, là vấn đề phức tạp khó giải quyết giữa các bên có tranh chấp, nhưng lại là chủ đề tế nhị đối với các bên không trực tiếp liên quan. Trong khuôn khổ đối tác chiến lược, Việt Nam đã cùng với các bên trực tiếp liên quan, cũng như các đối tác có quan tâm tới hòa bình ổn định trong khu vực tìm kiếm các biện pháp xử lý ổn định lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế. Lập trường tư tưởng nhất quán của Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp được tất cả các nước, nhất là các nước đối tác chiến lược của Việt Nam, ủng hộ và đồng tình. Nhờ vậy, Việt Nam tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong việc giữ vững chủ quyền quốc gia, gìn giữ môi trường hòa bình ổn định để phát triển.

 

Cũng thông qua các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, Việt Nam nâng tầm vị thế của mình trong quan hệ bình đẳng với các đối tác. Các nước đối tác chiến lược ủng hộ và đánh giá cao tiếng nói và đóng góp của Việt Nam vào việc giải quyết những vấn đề chung của cộng đồng quốc tế. Nhiều nguyên thủ quốc gia của các nước đối tác chiến lược đã chọn Việt Nam là một trong những nước tới thăm đầu tiên sau khi nhậm chức. Trong khuôn khổ chính sách đối ngoại của các nước đối tác chiến lược, Việt Nam đã được đặt ở vị trí quan trọng trong chính sách của các nước đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Liên hợp quốc và các tổ chức liên chính phủ. Nghi thức mà Tổng thống Nga V.Putin dành để đón tiếp Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga vừa qua có thể khẳng định điều này. Biểu hiện của mối quan hệ đối tác chiến lược đã vượt ra khỏi các khuôn khổ nghi thức ngoại giao thông thường mà thay vào đó là sự nồng ấm, bền chặt và tin cậy. 13 năm sau kể từ khi Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược đầu tiên, Việt Nam đã và đang trở thành bạn, là đối tác tin cậy của nhiều quốc gia trên thế giới./.

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác