Myanmar trên con đường ổn định đất nước

(VOV5) -  Với 360 phiếu ủng hộ trong tổng số 652 phiếu, ông Htin Kyaw vừa trở thành Tổng thống của chính phủ dân sự đầu tiên ở Myanmar.

Myanmar trên con đường ổn định đất nước - ảnh 1
Ông Htin Kyaw, tân Tổng thống của Myamar. Nguồn: theo BBC, Reuters, AP


Sau hơn nửa thế kỷ quân đội nắm chính quyền, một chính quyền dân sự được người dân lựa chọn sẽ khiến con đường cải cách ở Myanmar có nhiều thuận lợi. Ông Htin Kyaw, thuộc Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) được Quốc hội Myanmar bầu làm tổng thống mới hôm 15/3 và dự kiến tân Tổng thống Myanmar mới đắc cử sẽ nhậm chức vào ngày 1/4 tới. Với việc ông Htin Kyaw được bầu làm Tổng thống mới của Myamar, hệ thống chính trị mới của Myanmar đã cơ bản hoàn thiện. Đảng NLD sẽ nắm quyền điều hành chính phủ và các vị trí Tổng thống, Phó Tổng thống, Bộ trưởng đã hoàn tất. Như vậy, lần đầu tiên Myanmar có một Tổng thống dân sự kể từ năm 1960. Đây được cho là bước đi thành công nhất trong hơn nửa thế kỷ qua của Myanmar nhằm ổn định chính trị và kinh tế đất nước.

Đem đến hy vọng mới cho người dân
Trước khi giành được chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội Myanmar ngày 15/3, ông Htin Kyaw đã chiến thắng trước ứng cử viên Sai Mauk Kham của Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP), trong cuộc đua chọn ứng cử viên Tổng thống duy nhất của Hạ viện hôm 11/3. Là cố vấn thân cận của bà Suu Kyi, người có ảnh hưởng lớn nhất trong đời sống chính trị Myanmar hiện nay, việc ông Htin Kyaw trở thành Tổng thống, theo đánh giá sẽ tiếp tục con đường cải cách mạnh mẽ đất nước theo hướng thúc đẩy cải cách xây dựng các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, quyết tâm chống tham nhũng, tạo ra một chính phủ minh bạch, trong sạch và hình thành một liên minh liên bang.

Ngay sau khi ông Htin Kyaw giành chiến thắng, rất nhiều người dân Myanmar chia sẻ những dòng cảm xúc cùng các biểu ngữ trên mạng xã hội như “Welcome Mr. President” (Chào mừng ngài tổng thống) và “We love our President Htin Kyaw” (Chúng tôi yêu Tổng thống Htin Kyaw). Nhiều công dân Myanmar bày tỏ mong Tổng thống mới sẽ mang lại hòa bình cho các khu vực còn xảy ra xung đột sắc tộc, hàn gắn quốc gia và cải thiện tiêu chuẩn sống của người dân.

Không ít thử thách
Dù nhận được sự ủng hộ và tin tưởng rất lớn từ người dân nhưng giới phân tích cho rằng, chính phủ mới của Myanmar phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết, đó là làm sao hóa giải những mâu thuẫn sắc tộc và xây dựng sự đoàn kết giữa các chính đảng và lực lượng vũ trang ở Myanmar. Đây hẳn là một bài toán khó. Theo hiến pháp Myanmar, giới quân sự vẫn có vai trò rất lớn khi có quyền bổ nhiệm 3 vị trí bộ trưởng quan trọng là quốc phòng, nội vụ và an ninh biên giới. Vì thế, quan hệ với các tướng lĩnh chắc chắn là một ưu tiên lớn đối với tân Tổng thống Htin Kyaw. Chính mối quan hệ này sẽ quyết định sự thành công của mọi nỗ lực dân chủ, hòa giải và ổn định tại Myanmar.

Ưu tiên lớn thứ hai của chính quyền dân sự của Tổng thống Htin Kyaw là làm sao cải thiện cuộc sống người dân, đưa nền kinh tế Myanmar phát triển. Trong tuyên bố đầu tiên sau khi đắc cử, ông Htin Kyaw cho biết ông sẽ thành lập một bộ máy công quyền thực sự phục vụ lợi ích của nhân dân. Đây cũng chính là mong muốn của người dân Myanmar khi nền kinh tế và mức sống của phần lớn người dân Myanmar vẫn chưa được cải thiện. Myanmar hiện là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á với gần 1/3 trong tổng số 60 triệu dân sống trong cảnh nghèo đói.

Tiếp nối tiến trình cải cách
Kể từ khi giành độc lập vào năm 1948, Myanmar liên tục chìm trong các biến cố chính trị và xung đột sắc tộc. Năm 2011 chứng kiến nhiều chuyển biến sâu sắc trong đời sống chính trị và kinh tế của Myanmar khi Tổng thống U Thein Sein lên nắm quyền. 4 năm dưới sự điều hành của Chính phủ bán dân sự, một loạt cải cách mở cửa đã được triển khai giúp quốc gia trên 52 triệu dân có bước chuyển mình mạnh mẽ. Bên cạnh những thành tựu kinh tế, chính quyền bán dân sự ở Myanmar còn tạo ra một bước ngoặt lịch sử trong tiến trình xây dựng hòa bình quốc gia. Lần đầu tiên kể từ khi tuyên bố độc lập năm 1948, Chính phủ Myanmar và 8 trong số 15 nhóm sắc tộc thiểu số có vũ trang đã ký Thỏa thuận Ngừng bắn toàn quốc tháng 10/2015, hướng tới kết thúc hơn 60 năm xung đột dân sự, mở đường xây dựng hòa bình, góp phần tăng cường ổn định và phát triển tại quốc gia Đông Nam Á.

Trở lại việc ông Htin Kyaw được bầu làm tổng thống, người dân Myanmar cũng như cộng đồng quốc tế hoàn toàn có nhiều lý do để tin rằng: tiến trình cải cách sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ. Bởi như lời Tổng thống U Thein Sein đã từng tuyên bố tiến trình cải cách sẽ vẫn là xu hướng chủ đạo dù đảng nào lên cầm quyền vì đây là con đường duy nhất để quốc gia này có thể tăng mức sống và cải thiện phúc lợi của người dân một cách bền vững, đồng thời tái lập, nâng cao vai trò quốc tế của mình trong những thập kỷ tới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác