Năm 2013 đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ

(VOV5) - Năm 2013, Việt Nam và Hoa Kỳ đã chính thức xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện. Sự kiện này không chỉ tạo đà cho những cơ chế hợp tác song phương, mà còn đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. 

Năm 2013 đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ - ảnh 1
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng (Ảnh: AP)

Năm 2013, hoạt động trao đổi đoàn giữa hai nước diễn ra liên tục, dồn dập. Các nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều có chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ. Ngược lại, Hà Nội cũng chào đón một loạt các quan chức hàng đầu Hoa Kỳ như Bộ trưởng tài chính, Bộ trưởng y tế, Đại diện thương mại, Phó Cố vấn an ninh quốc gia, Tư lệnh Thái Bình Dương và gần đây nhất là Ngoại trưởng John Kerry. Các chuyến thăm này góp phần tạo sự tin cậy cao về chính trị, mở ra sự hợp tác sâu rộng trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, với việc xác lập khuôn khổ Đối tác toàn diện, năm 2013 thực sự trở thành dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.

Bước chuyển mạnh mẽ

Theo đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, 18 năm sau khi bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đi được một quãng đường dài trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng một khuôn khổ quan hệ tin cậy. Tuy nhiên, để có một cơ chế hợp tác ổn định, lâu dài cần xác lập một khuôn khổ quan hệ mới và điều này đã được hai nước nỗ lực hoàn tất trong năm 2013. Với tuyên bố chính thức xác lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 7/2013, quan hệ hai nước thực sự bước vào một thời kỳ mới. Đại sứ Nguyễn Quốc Cường khẳng định: "Từ sau khi xác lập quan hệ đối tác toàn diện thì quan hệ hai nước đã có bước phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, đối ngoại đến an ninh, khoa học kỹ thuật, giáo dục… Về kinh tế thương mại, hai nước đang cùng 10 nước khác đàm phán, sớm kết thúc Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thương mại giữa hai nước cũng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ. Về khoa học kỹ thuật mới đây ngoại trưởng J.Kerry và Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã ký tắt Hiệp định 123, mở ra một triển vọng hợp tác nhiều hơn nữa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực hạt nhân dân sự".

Về giáo dục đào tạo, hiện nay phía Mỹ đang tích cực phối hợp với Việt Nam để thành lập một trường đại học. Năm 2013, số lưu học sinh, sinh viên Việt Nam tại Mỹ tiếp tục tăng lên, là nước cử lưu học sinh sinh viên sang học ở Mỹ lớn nhất trong 10 nước Đông Nam Á. Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 12/2013, Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry cũng nhấn mạnh: "Giáo dục đào tạo, ưu tiên phát triển quan hệ giữa con người với con người, chính là nền tảng vững chắc cho quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ. Hiện có hơn 16 nghìn sinh viên Việt Nam đang học ở Hoa Kỳ, đông nhất so với các quốc gia khác có sinh viên theo học tại Hoa Kỳ. Chương trình học bổng Fullbright là một minh chứng thành công cho hợp tác giáo dục giữa hai nước chúng ta và chúng tôi đang tiến tới thành lập trường đại học tại Việt Nam trong thời gian tới".

Có lẽ trong quan hệ giữa quốc gia với quốc gia không có quan hệ nào là không có vấn đề. Việt Nam và Hoa Kỳ cũng vậy. Hiện nay, vấn đề còn tồn tại giữa hai nước được nhắc đến nhiều nhất là sự khác biệt về vấn đề dân chủ, nhân quyền, về những hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong thương mại. Nhưng lãnh đạo hai bên đều nhất trí cách thức giải quyết tốt nhất những khác biệt này là thông qua đối thoại, tăng cường hiểu biết, thu hẹp khác biệt.

Cùng hợp tác và phát triển

Những nỗ lực được vun đắp đã giúp dẫn đến kết quả bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ vào tháng 7/1995. 18 năm sau, với tinh thần “gác lại quá khứ, hướng đến tương lai”, Việt Nam và Hoa Kỳ lại một lần nữa làm nên điều kỳ diệu khi lần đầu tiên đã xác lập được một khuôn khổ Đối tác toàn diện cho quan hệ song phương. Đây chính là động lực cho mối quan hệ Việt Nam-Mỹ trong thời gian tới. Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry trong cuộc trao đổi với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam nhân chuyến thăm Việt Nam giữa tháng 12/2013, chia sẻ: "Giữa hai nước chúng ta đã cùng chia sẻ một lịch sử khó khăn. Tôi thực sự ấn tượng với những chuyến thăm Việt Nam, từ khi làm việc để bãi bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ và nay là thúc đẩy quan hệ hai nước cùng đi đến thịnh vượng chung. Việt Nam là một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ và chúng tôi cam kết thúc đẩy mối quan hệ này trong thời gian tới".

Nhìn lại lịch sử quan hệ hai nước, có thể thấy rằng tiến trình bình thường hóa không thể diễn ra nếu thiếu đi các cuộc đối thoại chân thành giữa chính quyền hai nước, dù đó là những vấn đề nhạy cảm. Quan hệ đối tác toàn diện xác lập năm 2013 là nền tảng để quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ viết tiếp những thành tựu mới./. 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác