Quốc hội Việt Nam với việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ bình đẳng giới

(VOV5)- Trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132), diễn ra tại Việt Nam từ ngày 28/3 đến ngày 1/4, sẽ có nhiều hoạt động gắn với vấn đề bình đẳng giới.

Là nước chủ nhà, Việt Nam giành sự ủng hộ mạnh mẽ cho các nội dung và mục đích hành động của IPU, trong đó có việc thúc đẩy vai trò, quyền của phụ nữ. Việt Nam cũng là quốc gia cơ bản hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ.

Tháng 5/2008, tại Quốc hội khóa 12 nước CHXHCN Việt Nam, lần đầu tiên  nhóm nữ đại biểu Quốc hội được thành lập. Đây là tổ chức đầu tiên của các nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam, trong đó mục tiêu lớn nhất là thúc đẩy bình đẳng giới. Dù thuộc nhóm quốc gia có chỉ số phát triển giới tốt nhất trong khu vực song Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng của Nho giáo với tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Do đó, việc thu hẹp khoảng cách giới ở Việt Nam luôn là vấn đề xã hội cần giải quyết để tạo nên sự bình đẳng. Qua 2 nhiệm kỳ hoạt động, nhóm nữ đại biểu Quốc hội đã tạo diễn đàn để các nữ đại biểu có cơ hội trao đổi thông tin, phân tích chính sách, tạo điều kiện để cùng chung tiếng nói về các vấn đề liên quan đến chính sách phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới… Nhờ đó, các chính sách được ban hành đã cân nhắc nhiều hơn từ góc độ bình đẳng giới như quy định tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ từ 4 tháng lên 6 tháng, quy định lao động nam được nghỉ việc khi vợ sinh con… Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: Nhiều đại biểu nữ trong Quốc hội Việt Nam đã nói được tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của đa số cử tri, đặc biệt là cử tri nữ. Những vấn đề có tính thực tiễn và khoa học đã được phát biểu mạnh mẽ nên được đại biểu của Quốc hội chia sẻ, đồng thuận, từ đó dẫn tới những quyết định quan trọng của Quốc hội Việt Nam trong thời gian qua. 

Quốc hội Việt Nam với việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ bình đẳng giới - ảnh 1
Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới. - Ảnh: internet

Không chỉ tham gia đóng góp ý kiến tại diễn đàn nghị viện trong nước, nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam còn tích cực tham gia các hoạt động hợp tác trong khu vực và trên thế giới về bình đẳng giới như Hội nghị hàng năm của nữ nghị sĩ AIPA (Diễn đàn chung của nữ đại biểu Quốc hội ASEAN), Hội nghị nữ nghị sĩ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới hàng năm… Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, Chủ tịch nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam, cho biết: Các chủ đề và các khuyến nghị tại các diễn đàn này luôn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo quyền con người, cơ hội và sự thụ hưởng bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái, trao quyền và thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ vào đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa… Bên cạnh đó, Việt Nam tham gia các diễn đàn này cũng nhằm củng cố vị trí, vai trò của phụ nữ trong các nghị viện thành viên và trong các tổ chức quốc tế, tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm và hợp tác giữa các nữ đại biểu Quốc hội.

Hiện Việt Nam là 1 trong 5 nước đang phát triển ở Châu Á có tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội cao nhất. Việt Nam cũng đã cơ bản hoàn thành mục tiêu về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ.  Điều đó cho thấy, Quốc hội Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới. Mới đây, trong cuộc gặp các nữ đại biểu là lãnh đạo các cơ quan trong nước và các tổ chức quốc tế tham dự IPU 132, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh: Việt Nam là quốc gia được ghi nhận có nhiều thành công trong việc xây dựng các chính sách và khung pháp lý liên quan đến bình đẳng giới từ Hiến pháp 1946, gần đây là Hiến pháp 2013 và được cụ thể hóa trong các luật, văn bản dưới luật. Ngày càng có nhiều phụ nữ đảm nhiệm cương vị chủ chốt trong bộ máy Đảng, Nhà nước, Quốc hội: Là quốc gia đang phát triển, đã phải trải qua nhiều năm đấu tranh anh dũng giành độc lập dân tộc, hơn ai hết, người dân Việt Nam luôn ý thức được rằng bình đẳng giới là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy, chính sách nhất quán của Việt Nam là ủng hộ cho những cố gắng nhằm xây dựng một xã hội bình đẳng cho tất cả mọi người.

Chính vì vậy, trong chương trình nghị sự của IPU 132 mà Việt Nam đăng cai tổ chức, Việt Nam ưu tiên dành nhiều hoạt động gắn với bình đẳng giới như tổ chức các hội nghị bên lề như “Tầm nhìn Bắc Kinh- Quan điểm của nam giới”, “Tham vấn chiến lược toàn cầu cập nhật về sức khỏe của trẻ vị thành niên, trẻ em và phụ nữ”, Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Cơ chế Hội nữ nghị sĩ IPU…

Chủ đề của IPU 132 là “Các mục tiêu phát triển bền vững: biến lời nói thành hành động”, trong đó mục tiêu bình đẳng giới  cũng là một trọng tâm. Tham gia IPU 132, nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục dành sự quan tâm đến các chính sách thu hẹp khoảng cách về giới, hướng đến bình đẳng thực chất, góp phần nâng cao hơn nữa vai trò của phụ nữ Việt Nam trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác