Sóng gió mới trong quan hệ Nga - Ukraine

(VOV5) - Nga và Ukraine tuần qua đã lời qua tiếng lại sau việc Moscow cáo buộc Kiev âm mưu tấn công khủng bố bán đảo Crimea để châm ngòi cho một cuộc xung đột mới ở khu vực này. Đây có thể được xem là diễn biến nghiêm trọng nhất tại Crimea kể từ khi bán đảo này được sáp nhập vào Nga năm 2014. Vụ việc đã đẩy quan hệ vốn nhiều trắc trở giữa 2 nước láng giềng Nga – Ukraine lên nấc thang căng thẳng mới.


Sóng gió mới trong quan hệ Nga - Ukraine - ảnh 1
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Sputnik)


Vụ việc khởi nguồn từ việc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) thông báo đã ngăn chặn 2 âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng trên bán đảo Crimea, vùng lãnh thổ đã sáp nhập trở lại Nga năm 2014. 2 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ. Theo FSB, Tổng cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine đứng sau âm mưu khủng bố trên và mục đích của các hành động này là nhằm gây mất ổn định trong khu vực trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội tại Nga vào tháng tới.


Cáo buộc lẫn nhau

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng những thông tin từ FSB cho thấy Ukraine đang chơi trò chơi nguy hiểm khi cố gắng kích động bạo lực và xung đột tại Crimea. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 15/8 tuyên bố Moscow sẵn sàng cung cấp cho Phương Tây thêm bằng chứng về các vụ xâm nhập vũ trang của người Ukraine vào bán đảo Crimea. Theo Ngoại trưởng Nga, vụ việc đã ảnh hưởng đến triển vọng khôi phục đàm phán về Ukraine theo cơ chế Normandy. Bộ Ngoại giao Nga cũng ra tuyên bố cho rằng, chính sự dung túng của phương Tây, đặc biệt là thái độ ủng hộ của NATO, EU và Mỹ đối với những tuyên bố của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trong vấn đề Crimea, đã góp phần thúc đẩy Kiev tới những các hành động mạo hiểm và khiêu khích ở bán đảo này.

Tuy nhiên Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã phủ nhận những cáo buộc trên, cho rằng điều này là hoàn toàn vô lý và lố bịch. Theo ông Petro Poroshenko, đây chẳng qua là cái cớ để Nga tiếp tục đe dọa quân sự với Ukraine.


Hành động trả đũa

Bất chấp Kiev ngay lập tức bác bỏ cáo buộc này, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố  rằng những người cầm quyền ở Ukraine đã chuyển sang dùng các chiến thuật khủng bố thay vì tìm cách dàn xếp hòa bình. Ông Putin khẳng định Nga “sẽ không khoanh tay đứng nhìn” sự việc này. Ngay sau đó, Hội đồng An ninh Nga cũng đã nhóm họp dưới sự chủ trì của Tổng thống Putin để thảo luận về các biện pháp bổ sung nhằm siết chặt an ninh chống khủng bố, bảo vệ người dân và cơ sở hạ tầng thiết yếu của Crimea. Nga cũng gấp rút triển khai hệ thống tên lửa S400 đầu tiên đến bán đảo này trong khi Bộ Quốc phòng Nga xác nhận tổ chức các cuộc tập trận tại Crimea và khu vực Volgograd từ 16 đến 19/8. Hiện Nga cũng đang xem xét các phương án đáp trả, trong đó có khả năng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine. Cùng với tuyên bố của Tổng thống, ngày 15/8, một nhóm nghị sỹ của Đảng Cộng sản Nga đứng đầu là nghị sỹ Sergei Obukhov đã gửi thư tới ông Vladimir Putin kêu gọi hủy Hiệp ước Hữu nghị, hợp tác và đối tác với Ukraine.


Sóng gió mới trong quan hệ Nga - Ukraine - ảnh 2
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (Ảnh: AFP)


Đáp trả những hành động của Moscow, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ra lệnh cho tất cả các đơn vị quân đội gần bán đảo Crimea và vùng Donbass "sẵn sàng cho chiến tranh". Các đơn vị quân đội Ukraine đóng gần biên giới với Crimea cũng được tăng cường số lượng, cùng với những trang thiết bị quân sự hiện đại. Tại cuộc họp kín của HĐBA LHQ ngày 11/8, theo đề nghị của Kiev, Đại sứ Ukraine tại LHQ Volodymyr Yelchenko đề nghị các quan sát viên LHQ và Liên minh châu Âu (EU), cùng các quan chức Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế tới Crimea để thẩm vấn 2 đối tượng bị Nga bắt giữ trong vụ phát giác âm mưu khủng bố trên.


Những diễn biến xấu trong quan hệ Nga - Ukraine khiến Đại sứ Ukraine tại LHQ Volodymyr Yelchenko so sánh tình hình hiện nay với bối cảnh dẫn đến cuộc chiến năm 2008 giữa Nga và Gruzia. Tuy nhiên, theo giới quan sát, xung đột sẽ khó xảy ra giữa 2 nước, thay vào đó, Moscow có thể sẽ đưa ra một số biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao nhằm trả đũa và cô lập chính quyền Kiev. Suy cho cùng, nếu xung đột bùng phát thì không chỉ kế hoạch đưa miền Đông Ukraine trở lại lộ trình ổn định bị thất bại mà chắc chắn quan hệ giữa Nga và phương Tây tiếp tục xấu đi. Vì vậy, một số phát ngôn mang tính chất ôn hòa hơn đã được đưa ra từ 2 phía. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố ông không cho rằng tất cả mọi người đều muốn cắt đứt quan hệ ngoại giao Nga-Ukraine. Trong cuộc điện đàm với Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khẳng định Kiev muốn tránh gia tăng căng thẳng trong quan hệ với Moscow. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier chiều 14/8 đã tới Ekaterinburg để thảo luận với người đồng cấp chủ nhà Nga Sergei Lavrov về âm mưu tấn công khủng bố bất thành ở bán đảo Crimea.


Những diễn biến mới xảy ra tại Crimea khiến căng thẳng trong quan hệ Nga – Ukraine khó hạ nhiệt trong một sớm một chiều. Điều này rõ ràng đã đẩy quan hệ vốn nhiều trắc trở giữa 2 nước láng giềng Nga – Ukraine đi theo chiều hướng xấu, đồng thời cũng là tín hiệu xấu đối với việc thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk, ảnh hưởng tới những nỗ lực ngăn chặn sự leo thang tình trạng bạo lực tại miền Đông Ukraine.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác