Thế giới trước thách thức Trái đất ấm lên

(VOV5) - Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ngày 20/10 cho biết kế hoạch cắt giảm khí thải nhà kính được đưa ra bởi các quốc gia giàu có và nhiều nước đang phát triển đã không đạt được mục tiêu đề ra trong việc hạn chế sự ấm dần lên của Trái đất ở mức 2 độ C. Đây là kết quả không mong đợi sau hàng loạt những nỗ lực của thế giới trong công cuộc chống biến đổi khí hậu thời gian qua. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với từng quốc gia, cho thấy các nước cần hành động quyết liệt hơn thay cho những bản kế hoạch trên giấy. 

Thế giới trước thách thức Trái đất ấm lên  - ảnh 1
Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Báo cáo mới nhất do các nhà phân tích tại Paris công bố hôm qua dựa trên đánh giá những nỗ lực trước kia và cả cam kết mới từ 34 thành viên cùng 10 nước đối tác khác của OECD, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ, vốn “đóng góp” tới 80% lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu.

Hậu quả rõ ràng

Không phải ngẫu nhiên mà OECD công bố báo cáo này trùng với thời điểm diễn ra phiên họp trù bị kéo dài một tuần của 200 quốc gia để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu (dự kiến sẽ diễn ra tháng 12/2015). Kết quả của báo cáo như lời cảnh tỉnh với cộng đồng về tính khả thi của mục tiêu duy trì mức tăng trưởng nhiệt độ Trái đất dưới 20c từ nay đến năm 2020 nhằm tránh sự gia tăng ngày càng mạnh mẽ của các đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt và nạn tuyệt chủng trên quy mô toàn cầu. Chuyên gia khí hậu Mikaela Rambali cho rằng kết quả của OECD cho thấy các quốc gia tuy đã có cố gắng nhưng vẫn chưa đủ để đạt tới mục tiêu của từng nước chứ chưa nói tới việc đạt mục tiêu chung trong việc giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu chỉ 2 độ C.

Trong khi các nước đang loay hoay với việc cắt giảm lượng khí thải thì việc Trái đất nóng lên có thể cảm nhận trực diện, rõ ràng. Theo Tổ chức Khí tượng Quốc tế (WMO), 2014 là năm nóng nhất trong lịch sử, với mức nhiệt trung bình là 14,58 độ C, cao hơn 1,24 độ C so với nhiệt độ trung bình trong thế kỷ 20. Nhiệt độ tăng ở hầu khắp mọi nơi trên Trái đất. Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) thì nhận định nếu không cắt giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhân loại sẽ phải hứng chịu những đợt nắng nóng, hạn hán, bão lụt với tần suất, mức độ khốc liệt ngày một gia tăng. Trong khi đó, các hội nghị thượng đỉnh gần đây về biến đổi khí hậu liên tiếp thất bại, khiến dư luận mất dần kiên nhẫn về một cam kết bền vững trong cuộc chiến bảo vệ Trái đất.

Nhiều trở ngại

Hiện nay, khoảng 150 quốc gia đã cam kết tình nguyện cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sau năm 2020, thời điểm một thỏa thuận chung về biến đổi khí hậu bắt đầu có hiệu lực. Trong đó 58 quốc gia sản sinh ra hơn 60% lượng khí thải toàn cầu đưa ra các cam kết giảm lượng khí thải. Mỹ đưa ra mục tiêu giảm 26 - 28% lượng khí thải vào năm 2025 so với năm 2005. Liên minh châu Âu (EU) cam kết đạt mục tiêu đến năm 2030 giảm 40% so với thời điểm năm 1990 còn Trung Quốc cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm 60 - 65% lượng phát thải khí CO2 trên mỗi đơn vị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) so với năm 2005. Tuy các mức cam kết giảm khí thải không phải là nhỏ song điều mà dư luận chờ đợi là hành động triển khai cụ thể của từng quốc gia.

Cùng với kết quả không lạc quan do OECD công bố hôm qua, ngay tại Hội nghị trù bị đang diễn ra tại Bonn (Đức) để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu sắp tới, vẫn còn nhiều vấn đề trọng tâm cần đạt được sự nhất trí của các quốc gia như: quyết tâm thoát khỏi việc sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch từ giữa thế kỷ này; đẩy sớm thời hạn tiến hành vòng đầu tiên hiệu chỉnh mục tiêu bảo vệ khí hậu của các nước lên năm 2020 so với dự kiến vào năm 2024. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ tài chính trong tương lai cho các nước nghèo hơn cũng chưa được làm rõ. Tuy các nước giàu đã cam kết huy động khoảng 100 tỷ USD mỗi năm từ năm 2020 để giúp các nước dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhưng mục tiêu này rất khó thực hiện bởi đến tháng 6/2015, mới có 30 quốc gia hứa tài trợ khoảng 10,2 tỷ USD trong đó chỉ 4 tỷ USD có thể sẵn sàng được giải ngân và không hẳn là hoàn toàn viện trợ không hoàn lại.

Một thực tế không thể phủ nhận là tốc độ biến đổi khí hậu tuy đã giảm song hiện tượng ấm lên toàn cầu vẫn chưa thể giới hạn ở mức dưới 20C. Nếu các quốc gia không quyết liệt cùng thực hiện các chương trình chống biến đổi khí hậu thì nguy cơ thế giới không đạt mục tiêu kiềm chế Trái Đất nóng lên là hiện hữu.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác