Tự do lập hội theo Hiến pháp

(VOV5) -  Tự do lập hội là một trong những quyền cơ bản của công dân được Nhà nước Việt Nam công nhận, tôn trọng trong Hiến pháp và pháp luật. Quyền này đã, đang được bảo đảm và  phát huy trong thực tiễn Việt Nam. Tuy nhiên, lợi dụng quyền tự do lập hội để chống phá Việt Nam lại là việc làm trái pháp luật.

Tự do lập hội theo Hiến pháp - ảnh 1

Hội sinh vật cảnh, một mô hình giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế hiệu quả ở Việt Nam


Trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013, điều thứ 25 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Việc thực hiện các quyền này còn được Việt Nam quy định ở nhiều văn bản pháp luật trước đó, như: Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20-5-1957, Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005, Luật Tổ chức chính phủ, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, Nghị định số 33/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý hội…

Hàng trăm hội, hàng nghìn tổ chức hội hoạt động hiệu quả

Theo Hiến pháp và pháp luật, mọi công dân Việt Nam đều có quyền tham gia hoặc không tham gia các tổ chức hội. Nhà nước hỗ trợ biên chế, kinh phí hoạt động đối với các hội đặc thù như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Công đoàn... Những hội có tính chất nghề nghiệp như: Hội Nhà văn, Hội Nhà báo, Hội Văn nghệ... hoặc các hội kinh tế như: Hội Doanh nghiệp, Doanh nhân.. có mục đích, đường hướng hoạt động phù hợp với lợi ích quốc gia và các chuẩn mực xã hội, cũng được chính quyền các cấp tạo điều kiện thành lập và duy trì hoạt động. Việt Nam hiện có khoảng 460 hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp có phạm vi hoạt động trong toàn quốc, liên tỉnh, thành phố; 20 tổ chức công đoàn ngành; trên 36.000 tổ chức hội, hiệp hội, câu lạc bộ ở các địa phương hoạt động, ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Các tổ chức hội, hiệp hội… hoạt động chủ yếu trên một số lĩnh vực như: nhân đạo, từ thiện, cung ứng dịch vụ giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, thể dục thể thao, bảo vệ môi trường...

Tự do lập hội theo Hiến pháp - ảnh 2

Trên thực tế, các hội, tổ chức hội, đặc biệt là các hội kinh tế, có nhiều đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước, thể hiện vai trò là cầu nối giữa các hội viên với chính quyền; hỗ trợ hội viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như giải quyết các tranh chấp thương mại, cung cấp thông tin tư vấn về sản xuất và thị trường... Các hội cũng có vai trò ngày càng tích cực trong việc tư vấn, phản biện, đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình và dự án phát triển kinh tế, xã hội của Chính phủ và của địa phương.

Các tổ chức hội trá hình

Lợi dụng quyền tự do lập hội và sự tạo điều kiện tối đa của Nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức hội, hiệp hội, các đối tượng thù địch với Việt Nam gần đây lập ra một số hội, nhóm trá hình, trái pháp luật, để hoạt động chống Nhà nước. Điển hình như tổ chức phản động “Việt tân” đã lập ra cái gọi là “Hội những người bạn của Việt tân”, “Bạn của Nguyễn Quốc Quân” trên Facebook để lôi kéo, móc nối người tham gia các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Một số người tự xưng là “nhà dân chủ” kêu gọi thành lập cái gọi là “Hội nhà báo độc lập” cho những blogger đội lốt dân chủ chống phá Nhà nước. Rồi một số khác ồn ào vận động thành lập cái gọi là “Văn đoàn độc lập” và có nhiều bài viết gắn với mưu đồ "Cách mạng hoa nhài", kêu gọi các nhà văn xuống đường như trong cuộc “Cách mạng Mùa xuân A-rập”… Một số tổ chức với danh xưng như: Tập hợp thanh niên dân chủ, Hội phụ nữ nhân quyền, Hội tù nhân lương tâm, Hội nhà báo độc lập, Công đoàn độc lập… Dù điều lệ, mục tiêu, chương trình hoạt động khác nhau nhưng các hội, đoàn này đều muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước, xuyên tạc, bóp méo hệ thống chính trị, lập các đoàn, hội đối lập với các cơ quan của hệ thống chính trị. Thông qua việc lập ra các tổ chức này, các thế lực xấu kích động, xuyên tạc Việt Nam vi phạm quyền tự do lập hội, kêu gọi các nước lấy đó làm điều kiện gây áp lực khi Việt Nam đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.


Tự do lập hội theo Hiến pháp

Sở dĩ Việt Nam có một số lượng lớn các hội, tổ chức hội, hiệp hội… là do Nhà nước đã nỗ lực đảm bảo và phát huy tối đa mọi quyền lợi chính đáng của công dân, trong đó có quyền tự do lập hội theo tinh thần của Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự năm 1966 mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Khoản 1, Điều 22 của Công ước này nêu rõ: “Ai cũng có quyền tự do lập hội, kể cả quyền thành lập và gia nhập các nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình”. Tuy nhiên, khoản 2 của Điều 22 lại chỉ ra rằng: “Việc hành xử quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi luật pháp, vì các nhu cầu cần thiết trong một xã hội dân chủ để bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý, hay những quyền tự do của người khác…”

 Như vậy, rõ ràng là không thể tùy tiện lập hội nếu việc lập hội phương hại đến lợi ích quốc gia và quyền tự do của người khác. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự lập hội và sẽ chẳng ai bị hạn chế nếu các hội ấy hoạt động thực sự vì con người, vì lợi ích của nhân dân.Tuy nhiên, thành lập các tổ chức độc lập để rồi trở thành đối lập với các tổ chức trong hệ thống chính trị Việt Nam thì tự thân việc làm đó đã đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, vi phạm luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế. Điều này hiển nhiên không được chấp nhận ở Việt Nam./.

Phản hồi

Các tin/bài khác