Phát triển ngành thủy sản bền vững, minh bạch và trách nhiệm

(VOV5) - Gỡ thẻ vàng không chỉ là vấn đề của ngành thủy sản, mà là uy tín, vị thế của quốc gia trên trường quốc tế. 

Ngày 10/4/2024, Ban Bí thư TW Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản. Việc ban hành Chỉ thị này cho thấy cả hệ thống chính trị Việt Nam đã cùng vào cuộc để gỡ thẻ vàng IUU, đồng thời cũng chính là bảo vệ uy tín quốc gia trên trường quốc tế.

Tính đến nay, đã gần 7 năm Việt Nam bị cảnh báo "thẻ vàng" về khai thác IUU.

Phát triển ngành thủy sản bền vững, minh bạch và trách nhiệm - ảnh 1Cán bộ Trạm kiểm soát biên phòng Bến Đầm (huyện Côn Đảo) kiểm tra giấy tờ tàu cá vừa cập bến theo quy định chống khai thác IUU - Ảnh: baobariavungtau.com.vn

Quyết tâm và cam kết chính trị rất lớn

Chỉ thị số 32 cho thấy quyết tâm và cam kết chính trị rất lớn của Việt Nam về chống khai thác IUU cũng như phát triển thủy sản bền vững. Chỉ thị ban hành trong thời điểm cả hệ thống chính trị đang tập trung, nỗ lực phấn đấu thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu, đặc biệt những khuyến nghị của lần thanh tra thứ tư vào tháng 10/2023 để quyết tâm sớm nhất gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” đồng thời thúc đẩy phát triển ngành thủy sản bền vững trong thời gian tới.

Trong Chỉ thị số 32, Ban Bí thư xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với sự phát triển bền vững ngành thủy sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là các cấp ủy, tổ chức Đảng. Người đứng đầu ở ngành, địa phương có trách nhiệm trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo thẻ vàng trong năm nay.

Từ đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đảng viên, doanh nghiệp và ngư dân ven biển, hải đảo về phát triển bền vững ngành thủy sản, chống khai thác IUU. Chú trọng việc ngăn chặn ngay từ trong bờ tàu cá và ngư dân cố ý vi phạm, nhất là khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Chỉ thị của Ban Bí thư cũng yêu cầu các ban, ngành chú trọng chính sách nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo quản, chế biến phục vụ xuất khẩu; có chính sách hỗ trợ hiện đại hóa nghề cá, cải thiện sinh kế, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển, nâng cao cuộc sống.

Sau khi Chỉ thị được ban hành, ngày 22/4, Ban Bí thư đã tổ chức hội nghị kết nối trực tuyến từ điểm cầu Trung ương đến điểm cầu các địa phương để quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị. 

Cùng ngày 22/4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 52 về Chương trình hành động và Kế hoạch triển khai thực hiện.

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và các bộ, ngành, như: Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an…cũng tích cực vào cuộc với mong muốn chứng minh được sự cải thiện của Việt Nam sau những khuyến cáo về IUU trước đây của Ủy ban châu Âu.

Cấu trúc lại ngành thủy sản minh bạch, trách nhiệm và bền vững

Thuỷ sản là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Tổng sản lượng hằng năm của ngành đạt trên 9 triệu tấn, đóng góp khoảng 30% GDP của ngành nông nghiệp. Sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu đến 170 quốc gia, vùng lãnh thổ….

Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nhiều lần khẳng định gỡ thẻ vàng IUU là điều kiện Việt Nam phải vượt qua để trong thời gian tới, sản phẩm thủy sản Việt Nam có thị trường tốt hơn ở châu Âu.  Hơn thế nữa, việc thực hiện các biện pháp nhằm gỡ thẻ vàng chỉ là bước khởi đầu trong các bước mà Việt Nam cấu trúc lại nghề cá minh bạch, trách nhiệm và bền vững. 

Chính vì vậy, theo tinh thần Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục đẩy mạnh việc tập huấn, vận động, nâng cao nhận thức trách nhiệm đối với công tác chống khai thác IUU. Song song với đó là hoàn thiện các quy định pháp luật để xử lý dứt điểm tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép). Việt Nam cũng sẽ chú trọng ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng thủy sản; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cho ngành thủy sản phát triển lâu dài; thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế về bảo vệ đại dương, môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản.

Gỡ thẻ vàng không chỉ là vấn đề của ngành thủy sản, mà là uy tín, vị thế của quốc gia trên trường quốc tế. Việc cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc cho thấy quyết tâm và cam kết chính trị rất lớn của Việt Nam về chống khai thác IUU, đưa ngành thủy sản phát triển bền vững, có trách nhiệm.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác