Tuyên bố Hà Nội: Khởi đầu cho những mục tiêu cao cả

(VOV5)- Đại hội đồng Liên minh Nghị viện quốc tế lần thứ 132 (IPU-132) vừa kết thúc tại Hà Nội. Kết quả thành công nhất của IPU 132 được tổ chức lần đầu tiên ở Việt Nam là việc Đại hội đồng thông qua Tuyên bố Hà Nội. Đây là văn kiện quan trọng, thể hiện tầm nhìn của các nghị viện thành viên IPU, góp phần định hình chính sách và mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc sau năm 2015. 

Tuyên bố Hà Nội khẳng định ý chí mạnh mẽ của IPU lấy người dân làm trung tâm, dựa trên việc thực hiện tất cả các quyền con người, cam kết thúc đẩy vai trò quốc gia trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Tuyên bố Hà Nội được đưa ra trong bối cảnh thế giới đang tổng kết việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và chuẩn bị quyết định về chương trình phát triển mới sau năm 2015, dự kiến được gửi tới Hội nghị Thượng đỉnh của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn vào tháng 9 năm nay, làm cơ sở cho việc đề xuất những mục tiêu phát triển bền vững mới của cộng đồng quốc tế.

Tuyên bố Hà Nội: Khởi đầu cho những mục tiêu cao cả - ảnh 1


Lời nói đi đôi với hành động

Có thể khẳng định Tuyên bố Hà Nội đã đánh dấu một xu hướng mới trong hoạt động của IPU, đó là chú trọng vào việc tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhất để biến những cam kết thành hành động cụ thể. Điều này được chính vị đứng đầu tổ chức IPU khẳng định. Nếu như trước đây, tại các kỳ Đại hội đồng IPU, thường chỉ có Nghị quyết được thông qua mà không có tuyên bố hoặc là có tuyên bố về những vấn đề khác, không mang tính toàn cầu, thì nay, một một vấn đề thời sự, mang tính toàn cầu như các mục tiêu phát triển bền vững thì lần đầu tiên được xem xét và thông qua thành Tuyên bố Hà Nội tại Việt Nam: Những kỳ đại hội đồng trước, chúng tôi mới chỉ nói đến vấn đề, miêu tả vấn đề và kế hoạch lồng ghép. Nhưng kỳ họp lần này tại Hà Nội là cách tiếp cận mới, xu hướng mới, tập trung vào giải pháp thực hiện chứ không chỉ nêu vấn đề. Ví dụ như IPU 132 thông qua nghị quyết tình trạng khẩn cấp hay cuộc họp các mục tiêu phát triển bền vững, biến lời nói thành hành động, vì mục tiêu phát triển phục vụ người dân. Tôi cho rằng Tuyên bố Hà Nội là dấu mốc đánh dấu sự thay đổi về nhận thức, là di sản của IPU, là sự đóng góp của Việt Nam cho toàn thế giới.

Thực tế trong suốt cả kỳ họp, “Các mục tiêu phát triển bền vững- biến lời nói thành hành động”, chủ đề do Việt Nam đề xuất là chủ đề xuyên suốt, định hình cho toàn bộ các cuộc thảo luận của IPU. Phát triển bền vững là mong ước của tất cả các quốc gia, nhưng mỗi quốc gia không thể phát triển thịnh vượng nếu không giải quyết được những thách thức như đói nghèo, gia tăng dân số, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, đa dạng sinh thái bị đe dọa ... Đặc biệt, thế giới không thể có phát triển bền vững nếu như không có hòa bình, bình đẳng giữa các quốc gia, không tôn trọng luật pháp quốc tế. Điều này cũng được khẳng định rõ trong Tuyên bố Hà Nội. Nghị sĩ Hà Lan Hans Franken cho rằng:Quyền tự quyết của các dân tộc rất quan trọng. Mỗi dân tộc đều có quyền tự quyết vận mệnh của mình, nếu làm trái là vi phạm nhân quyền. Vậy mà ở nhiều nơi, chúng ta thấy còn rất nhiều nạn nhân của vi phạm nhân quyền, họ không thể tự quyết. Luật pháp quốc tế luôn là cơ sở quan trọng để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ giữa quốc gia. Các nước phải tôn trọng và tuân theo các Công ước quốc tế.

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Năm 2015 là thời điểm IPU đang thúc đẩy chương trình hành động của mình cho phù hợp với các chương trình hành động mà Liên hợp quốc đề ra trong 15 năm tới. Những kết quả quan trọng nhất của Đại hội đồng, thể hiện qua Tuyên bố Hà Nội, một văn kiện thể hiện nguyện vọng và cam kết của IPU và các nghị viện thành viên trong việc xây dựng và thúc đẩy thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững SDGs mà Liên hợp quốc đang xây dựng cho đến năm 2030. Tuyên bố Hà Nội sẽ được gửi tới Hội nghị Thượng đỉnh của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9 năm nay. Bà Annette King, nghị sĩ của Newzealand nhấn mạnh: Tôi cho rằng đây là bước khởi đầu để phấn đấu cho mục tiêu phát triển bền vững. Tuyên bố Hà Nội là kết quả sự làm việc nghiêm túc của nghĩ sĩ đến từ hơn 100 nghị viện thành viên, đạt được nhận thức chung về phát triển bền vững.

Tuyên bố Hà Nội với những nội dung, cam kết hành động hoàn toàn phù hợp với mong muốn và đường lối phát triển của Việt Nam. Sau 36 năm tham gia Liên minh Nghị viện thế giới IPU, lần đầu tiên Việt Nam trở thành nước chủ nhà để đón tiếp những nhà lập pháp và cũng là những người đại diện cho nhân dân ở khắp các châu lục trên thế giới. Trong dòng chảy của một thế giới đầy sôi động và không ít diễn biến bất thường, một sự kiện ngoại giao lớn, tụ hội các nghị sĩ đến từ khắp các nghị viện thành viên, để hướng tới một chủ đề chung và đạt kết quả như mong muốn là một thành công lớn, mở ra chặng đường mới của tổ chức liên nghị viện lớn nhất hành tinh này./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác