Việt Nam chuyển tải thông điệp rõ ràng về hòa bình tại Shangri-La 2016

(VOV5) - Đối thoại Shangri- La lần thứ 15 vừa kết thúc tại Singapore sau 3 ngày làm việc và thảo luận sôi nổi.


Diễn ra trong bối cảnh an ninh khu vực đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là sự suy giảm lòng tin chiến lược giữa các quốc gia, tại cuộc đối thoại, Việt Nam đóng góp nhiều ý kiến, chuyển tải thông điệp rõ ràng về hòa bình, về lợi ích quốc gia và trách nhiệm trong việc kiến tạo một nền hòa bình chung. 

Việt Nam chuyển tải thông điệp rõ ràng về hòa bình tại Shangri-La 2016 - ảnh 1
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 (Ảnh: qdnd)



Shangri-La là diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu của khu vực. Sự kiện này luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của Bộ trưởng quốc phòng, các quan chức cũng như đông đảo giới học giả trên thế giới. Tham dự Đối thoại Shangri-La 2016 có số lượng chuyên gia và học giả đông nhất từ trước đến nay. Trải qua chặng đường 15 năm hình thành và phát triển của mình, Đối thoại Shangri La đã có một vai trò vị trí riêng mà không diễn đàn nào khác có thể phủ nhận hay so sánh được. Đây là nơi để các chính khách, quan chức ngoại giao, quốc phòng chia sẻ quan điểm của mình cũng như đánh giá thống nhất về tình hình an ninh khu vực để từ đó định hình cho các khuôn khổ hợp tác. Là một quốc gia có quyền và lợi ích trực tiếp đến những diễn biến an ninh căng thẳng trong khu vực thời gian gần đây, Việt Nam tham dự diễn đàn đã tích cực nói lên tiếng nói của mình nhằm xây dựng một môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới.


Lợi ích quốc gia phải được đặt hài hòa trong lợi ích của các dân tộc khác

Có thể thấy, một nội dung xuyên suốt tại Đối thoại Shangri La năm nay và cũng là vấn đề dư luận mong đợi tìm được giải pháp đó là việc kiểm soát căng thẳng. Vấn đề kiểm soát căng thẳng hầu như được nhắc đi nhắc lại trong nhiều phiên họp ở Shangri-La năm nay nhưng đậm nét nhất vẫn là trong phiên đặc biệt về “Kiểm soát căng thẳng trên Biển Đông” và phiên toàn thể “Những thách thức trong giải quyết xung đột”. Và cả 2 phiên này, Việt Nam đều có tham luận chính, đưa ra những đề xuất thiết thực, xác đáng, nhận được sự đồng tình của dư luận.

Việt Nam chuyển tải thông điệp rõ ràng về hòa bình tại Shangri-La 2016 - ảnh 2
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tham dự phiên toàn thể tại Đối thoại Shangri La (Ảnh: TTtinvov)


Trong phiên đặc biệt về “Kiểm soát căng thẳng trên Biển Đông”, Việt Nam nêu rõ những biện pháp rất cụ thể để giải quyết xung đột. Đó các bên cần tích cực tìm kiếm các công cụ hạn chế nguy cơ va chạm trên biển như là thiết lập đường dây nóng, thống nhất các quy tắc ứng xử trong tình huống đột xuất, bất ngờ, phối hợp tuần tra chung giữa các nước lực lượng hải quân, chấp pháp của các nước ASEAN. Trong khi đó, tại phiên toàn thể về “Những thách thức trong giải quyết xung đột”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh đã đề xuất các nước trong khu vực cần phải vừa hợp tác vừa đấu tranh để giải quyết bất đồng, ngăn ngừa xung đột: Tất cả các quốc gia cần phải hợp tác và đấu tranh để giải quyết bất đồng, ngăn ngừa xung đột, tăng cường hợp tác cùng phát triển, xây dựng lòng tin, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau; Đồng thời thẳng thắn đấu tranh để tìm ra tiếng nói chung, lợi ích chung trong giải quyết tranh chấp, bất đồng. Nhưng dù hợp tác hay đấu tranh, trước hết đều phải trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, coi đó là chuẩn mực để các bên liên quan giải quyết các tranh chấp, bất đồng, giảm thiểu nguy cơ xung đột; Kiên trì, bình tĩnh xử lý bằng các biện pháp hòa bình, tuyệt đối không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực.


Đề cao tính thượng tôn pháp luật

Tại Đối thoại Shangri La lần này thì DOC và COC có lẽ cũng là 2 “từ khóa” được nhắc đến nhiều tương đương với “Biển Đông”. Bởi rất nhiều nước trong khu vực và các nước trên thế giới quan tâm đến khu vực này đều mong muốn giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, dựa trên các quy định, luật pháp quốc tế như là DOC (Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông), COC (Bộ Quy tắc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông) và cả Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS). Tại Diễn đàn, Việt Nam cũng cùng quan điểm với các nước là đề cao luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp. Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định: Quan điểm của Việt Nam xung quanh vấn đề Biển Đông luôn là phải giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong bối cảnh phức tạp như hiện nay thì trước hết chúng ta thực hiện chính sách đó bằng việc khẳng định chủ quyền. Chúng ta phản đối tất cả những tuyên bố khác với tuyên bố chủ quyền của Việt Nam vì tuyên bố của chúng ta mang tính lịch sử và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Việt Nam chuyển tải thông điệp rõ ràng về hòa bình tại Shangri-La 2016 - ảnh 3
Hình ảnh vệ tinh về việc Trung Quốc cải tạo phi pháp bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo. (Ảnh: AP)


Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhấn mạnh đến cách hiểu và cách thực hiện cam kết một cách đúng đắn. Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng trong khi các quốc gia luôn luôn mong muốn đàm phán hòa bình mà cách hiểu luật pháp quốc tế một cách chính xác và trung thực khác nhau thì cũng rất khó quyết được xung đột. Việt Nam cũng phản đối những sự can dự từ bên ngoài dẫn đến xung đột và chạy đua vũ trang.


Trước những bất ổn đang ngày gia tăng trong khu vực, có thể khẳng định rằng không một nước nào có thể là “người ngoài cuộc” khi liên quan đến sự ổn định khu vực. Vì vậy, với chương trình thảo luận nhiều vấn đề nóng và mở ra nhiều kênh đối thoại, Shangri-La tiếp tục là một diễn đàn quan trọng để các nước trong khu vực thảo luận để tìm ra những giải pháp cho các vấn đề an ninh hiện nay, góp xây dựng một khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Và Việt Nam với tư cách là một quốc gia có trách nhiệm đóng góp tích cực và nỗ lực chung ấy.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác