Xóa đói giảm nghèo, thành tựu cơ bản của nhân quyền Việt Nam

(VOV5)- Nhân quyền, với ý nghĩa chân chính là được nhìn nhận trên bình diện rộng mà ở đó, con người được xã hội quan tâm tạo điều kiện để có thể phát triển toàn diện về đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Thành tựu nhân quyền ở Việt Nam nổi bật qua công cuộc xóa đói, giảm nghèo được tiến hành trong hàng chục năm qua và đạt nhiều kết quả được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Xóa đói giảm nghèo, thành tựu cơ bản của nhân quyền Việt Nam - ảnh 1

Trong lĩnh vực nhân quyền, quan điểm của Liên Hiệp Quốc cũng như quan điểm và luật pháp Việt Nam đều khẳng định các quyền cơ bản của con người là: quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân, quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ, quyền được tự do đi lại và cư trú... Các quyền ấy chỉ có thể thực hiện được khi các nhu cầu thiết yếu của con người được bảo đảm, đó là sự đáp ứng nhu cầu về ăn, mặc, ở, về nước sạch, khám, chữa bệnh và giáo dục. Công cuộc xóa đói giảm nghèo đã mang lại cho người dân Việt Nam toàn bộ những nhu cầu cấp thiết và cả những quyền cơ bản đó.

Xóa đói giảm nghèo, nội dung quan trọng trong các chính sách xã hội
Mục tiêu của phát triển kinh tế ở Việt Nam là xóa bỏ đói nghèo, nâng cao đời sống nhân dân gắn với bảo đảm các quyền của con người và hướng tới sự phát triển toàn diện của con người. Vì thế, công cuộc xóa đói giảm nghèo được Việt Nam sớm đẩy mạnh vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20, cùng với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Đến đầu thế kỷ 21, Nhà nước Việt Nam tiếp tục lồng ghép vấn đề xóa đói nghèo trong chiến lược phát triển bền vững của cả nước và từng địa phương. Các chương trình xóa đói giảm nghèo được tập trung mạnh mẽ cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.Có thể kể đến các chương trình giảm nghèo dài hạn như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn I và giai đoạn II; Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong giai đoạn 2009 - 2020... Trong số này, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi (còn gọi là Chương trình 135) có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất với việc gần 2.000 xã đặc biệt khó khăn và các xã biên giới được đầu tư để phát triển sản xuất, nâng cao mức sống cho các hộ dân tộc thiểu số, phát triển cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công cộng thiết yếu như điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, nâng cao đời sống văn hóa.

Xóa đói giảm nghèo, thành tựu cơ bản của nhân quyền Việt Nam - ảnh 2


Chương trình 135 còn đầu tư cho các buôn, làng, bản, xóm ấp đặc biệt khó khăn thuộc thuộc 45 tỉnh, thành để tạo chuyển biến nhanh về sản xuất; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với thị trường; cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; giảm khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và giữa các vùng trong nước.Còn trong giai đoạn hiện nay, các chương trình và chính sách giảm nghèo của Việt Nam tập trung vào việc thúc đẩy các hoạt động sản xuất và sinh kế để tăng thu nhập cho người nghèo, tăng cường khả năng tiếp cận của người nghèo đến các dịch vụ xã hội, tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức của người dân ở các vùng nghèo. Người nghèo được thụ hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng, phát triển sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế.

Kết quả giảm nghèo ấn tượng đối với cộng đồng thế giới
Nếu năm 1993, Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới với bình quân thu nhập đầu người chỉ khoảng 100 USD và có các chỉ số thấp kém về phát triển xã hội thì hiện nay, Việt Nam là một nước có thu nhập trung bình đang lên, với nền kinh tế có quy mô gần 154 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.700 USD. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn khoảng7,6% vào năm 2013, với hơn 30 triệu người thoát nghèo.Chính sách xóa đói nghèo của Việt Nam không chỉ nhằm giúp tăng thu nhập cho người nghèo mà còn giúp họ cải thiện sinh kế và tiếp cận với các dịch vụ xã hội như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, hòa nhập xã hội. Nhà nước cũng mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên lên trên 2,5 triệu người, tăng mức, mở rộng diện hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ chi phí học tập, sinh hoạt cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số và vùng khó khăn, hỗ trợ gạo cho học sinh.Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đang đứng thứ 6 trên toàn cầu về thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ vì đã đạt được 5 trong số 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) ban đầu và đang trên đường hoàn thành nốt 3 mục tiêu nữa vào năm 2015.Việt Nam nằm trong số 38 quốc gia được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc vinh danh là nước có nhiều thành tích trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Kết quả giảm nghèo thể hiện tính ưu việt của Nhà nước Việt Nam
Lịch sử thế giới cho thấy những quốc gia nào quan tâm đến đời sống người dân thì duy trì được sự ổn định, có điều kiện để phát triển. Việc hiện thực hóa quyền con người phụ thuộc không ít vào kết quả xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng sống của người dân. Kết quả trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo chính là bằng chứng thuyết phục nhất để chứng minh tính ưu việt của Nhà nước Việt Nam.Với những thành công to lớn trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, Việt Nam hoàn toàn có quyền tự hào trong nhiệm kỳ là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và tham gia bất cứ một cơ chế kiểm điểm định kỳ nào của Liên Hiệp Quốc để chia sẻ những kinh nghiệm và những giá trị của thành công này./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác