Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người

(VOV5) -Luật cũng góp phần thực hiện tốt chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đấu tranh chống hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi chống Đảng và Nhà nước.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 được coi là bước ngoặt lớn trong chính sách tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người - ảnh 1Ông Bùi Thanh Hà, Phó trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, cho biết Luật được ban hành trên tinh thần của bản Hiến pháp năm 2013. Ảnh TTXVN 

Ông Bùi Thanh Hà, Phó trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, cho biết Luật được ban hành trên tinh thần của bản Hiến pháp năm 2013. Vì vậy, bên cạnh việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Luật đã có rất nhiều nội dung mới so với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.

Có thể kể tới như: Luật mở rộng chủ thể thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bổ sung một chương về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; có quy định về đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Luật cũng điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; bổ sung nội dung phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam...

Theo ông Bùi Thanh Hà, việc xây dựng Luật nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng và Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý nhà nước nhằm tạo sự thông thoáng, minh bạch, tạo cơ chế pháp lý nhằm tôn trọng, bảo hộ, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.

Đồng thời củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo điều kiện để quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và các giá trị dân chủ, văn minh của loài người và chủ nghĩa xã hội được phát huy; giữ vững niềm tin của người có tín ngưỡng, tôn giáo vào chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Luật cũng góp phần thực hiện tốt chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đấu tranh chống hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi chống Đảng và Nhà nước; thể hiện trách nhiệm quốc gia đối với việc thực hiện pháp luật quốc tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác