Chuyến công tác Thái Lan của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thành công tốt đẹp

(VOV5) - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành đã có nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với lãnh đạo các nền kinh tế và các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Vương quốc Thái Lan và tham dự Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã diễn ra từ ngày 16-19/11.
Trả lời báo chí ngay sau chuyến thăm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, góp phần triển khai đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII, ưu tiên phát triển toàn diện quan hệ với các nước láng giềng và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Thái Lan. 

Chuyến công tác Thái Lan của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thành công tốt đẹp - ảnh 1Chuyến công tác của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tạo dấu mốc mới trong quan hệ Việt Nam-Thái Lan. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam

Theo đó, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, là dấu mốc trong quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường giữa Việt Nam và Thái Lan, tạo xung lực mới thúc đẩy hợp tác giữa hai nước; truyền đi thông điệp về quyết tâm của lãnh đạo hai bên đưa quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam – Thái Lan phát triển ngày càng mạnh mẽ, toàn diện và hiệu quả hơn. Kết quả chuyến thăm mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước, đóng góp tích cực vào xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, vì hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Tại Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động, đóng góp một cách xây dựng vào tất cả các hoạt động của hội nghị. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước và lãnh đạo các bộ, ngành đã có nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với lãnh đạo các nền kinh tế và các tập đoàn hàng đầu thế giới. Đoàn Việt Nam đã chia sẻ những ý tưởng, quan điểm mới về xu thế phát triển, định hướng của APEC trong giai đoạn đầy thách thức hiện nay. Những đề xuất của Việt Nam nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao và được thể hiện trong văn kiện bởi có tính đến lợi ích của tất cả các thành phần trong xã hội, các nền kinh tế, cũng như cân bằng giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác