Đưa hợp tác Việt Nam-New Zealand ngày càng đi vào chiều sâu, rộng mở và thực chất hơn

(VOV5) - Thủ tướng mong Chính phủ New Zealand tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam tại New Zealand.

Chiều 15/3, tại Trụ sở Chính phủ, phát biểu tại buổi tiếp Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị New Zealand tạo điều kiện hơn nữa cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận thị trường nước này, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2 tỷ USD vào năm 2024.

Đưa hợp tác Việt Nam-New Zealand ngày càng đi vào chiều sâu, rộng mở và thực chất hơn - ảnh 1Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson. Ảnh: Vũ Khuyên/ VOV

Thủ tướng đề nghị hai bên phối hợp thực hiện Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2021 – 2024; đưa hợp tác hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, rộng mở và thực chất hơn; trước mắt là nối lại trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, phục hồi và thúc đẩy hơn nữa hợp tác giáo dục, du lịch, văn hóa xã hội khi mở cửa biên giới.

Đưa hợp tác Việt Nam-New Zealand ngày càng đi vào chiều sâu, rộng mở và thực chất hơn - ảnh 2Quang cảnh buổi tiếp. Ảnh: Vũ Khuyên/ VOV

Về hợp tác phòng chống Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị New Zealand tăng cường hỗ trợ Việt Nam cũng như ASEAN trong việc tiếp cận nguồn vaccine và trang thiết bị y tế phòng dịch, tích cực giúp Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động phục hồi kinh tế. Thủ tướng mong Chính phủ New Zealand tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam tại New Zealand sinh sống và làm việc trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, cũng như hỗ trợ người Việt Nam an toàn trở về nước khi có nhu cầu.

Đại sứ Tredene Dobson khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới, đặc biệt là thực hiện Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – New Zealand giai đoạn 2021 – 2024; tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy quan hệ thương mại – kinh tế mang tính bổ trợ cho nhau giữa hai nước.

Hai bên thống nhất tiếp tục ủng hộ bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Luật Biển (UNCLOS 1982); tích cực tham gia, đóng góp vào hợp tác vì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác