Không ngừng củng cố mối quan hệ láng giềng hữu nghị gắn bó, tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào

(VOV5) - Trao đổi về định hướng thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương thời gian tới, hai bên nhất trí tiếp tục duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao trên tất cả các kênh.

Nhận lời mời của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, bà Pany Yathotou, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Phó Chủ tịch nước Lào, thăm chính thức Việt Nam từ 25/4 - 27/4.
Sáng 26/4, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chủ trì lễ đón và hội đàm với Phó Chủ tịch nước Lào Pany Yathotou.

Không ngừng củng cố mối quan hệ láng giềng hữu nghị gắn bó, tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào - ảnh 1Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đón Phó Chủ tịch nước Lào. Ảnh: VOV

Tại hội đàm, hai Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh ý nghĩa và giá trị của việc vun đắp và không ngừng củng cố mối quan hệ láng giềng hữu nghị gắn bó, tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào đối với an ninh và phát triển của mỗi nước, cũng như hoà bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.

Không ngừng củng cố mối quan hệ láng giềng hữu nghị gắn bó, tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào - ảnh 2Hội đàm cấp cao giữa Việt Nam và Lào 1. Ảnh: VOV

Trao đổi về định hướng thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương thời gian tới, hai bên nhất trí tiếp tục duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao trên tất cả các kênh; phối hợp triển khai nghiêm túc, hiệu quả các thoả thuận đạt được tại Kỳ họp lần thứ 44 Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào, nhất là Hiệp định về hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2025 và Thỏa thuận chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2030. Hai bên sẽ phối hợp tổ chức tốt các hoạt động ý nghĩa và thiết thực trong khuôn khổ “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022” để kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào.

Hai Phó Chủ tịch nước cũng trao đổi ý kiến về một số vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm; nhất trí tiếp tục phát huy truyền thống phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong; thống nhất quan điểm giải quyết các vấn đề tranh chấp trong khu vực và thế giới bằng biện pháp hòa bình và luật pháp quốc tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác