Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

(VOV5) - Tại kỳ họp này, các cơ quan hữu quan thống nhất chỉnh lý 18 nhóm nội dung.

Trong ngày làm việc đầu tiên tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, hôm nay (15/01), Quốc hội thảo luận về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Trong đó, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương và 260 điều. Tại kỳ họp này, các cơ quan hữu quan thống nhất chỉnh lý 18 nhóm nội dung, như: quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng đất; quy hoạch sử dụng đất; thuế đất; thu hồi đất; đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất; định giá đất… Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến liên quan đến chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, đoàn Lạng Sơn, nêu ý kiến:Dự án luật đã đáp ứng yêu cầu trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, so với các phiên bản trước, dự thảo lần này đã có bước tiến rõ rệt trong quy định về đất đai cho đồng bào thiểu số với nhiều chính sách mới, đặc thù, nhằm tạo cơ sở pháp lý, tháo gỡ khó khăn về đất đai, tạo sinh kế tốt hơn cho đồng bào. Chính sách đất đai đối với đồng bào là nội dung cơ bản của chính sách dân tộc. Đề nghị Quốc hội xem xét, cụ thể hóa hơn chính sách bảo đảm và hỗ trợ đất đai cho đồng bào, ví dụ: các vấn đề về hạn mức sử dụng đất, về diện tích tối thiểu được giao, về khu vực được giao đất… làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết.     

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) - ảnh 1

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: quochoi.vn

Đối với dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), các đại biểu thảo luận các quy định về: chuyển tiếp, điều khoản thi hành tổ chức, quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng, dự phòng rủi ro, kiểm soát đặc biệt, các quy định để minh bạch thông tin, ngăn chặn sở hữu chéo, đảm bảo an ninh hệ thống, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia…. Quan tâm đến vấn đề các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đại biểu Nguyễn Quang Huân, đoàn Bình Dương, đề nghị: Ở các nước phát triển, doanh nghiệp khởi nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn vay. Còn tại Việt Nam, doanh nghiệp muốn vay vốn thì phải có tài sản thế chấp ngoài dự án. Trong điều kiện bình thường, các doanh nghiệp kinh doanh phải sau 3 – 5 năm tích lũy mới có tài sản. Điều này dẫn đến có đến 90% doanh nghiệp Việt Nam nhỏ và siêu nhỏ sẽ không được cải thiện. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp để Việt Nam có thể trở thành quốc gia khởi nghiệp giống như 1 số quốc gia khác trên thế giới.  

Sau phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan tập trung nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện và báo cáo, trình UBTVQH tại cuộc làm việc ngày 17/01 và hoàn chỉnh các dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua.  

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác