Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự phiên đối thoại với Diễn đàn doanh nghiệp Á - Âu

(VOV5)- Trong khuôn khổ chương trình tham dự Hội nghị Cấp cao diễn đàn hợp tác Á-Âu lần thứ 10, gọi tắt là ASEM 10, chiều nay (theo giờ Việt Nam), tại Trung tâm hội nghị thành phố Milan, Italy, diễn ra phiên Đối thoại với Diễn đàn doanh nghiệp Á-Âu lần thứ 14 với chủ đề “Tăng cường quan hệ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế Á – Âu”.

Diễn đàn Doanh nghiệp Á – Âu lần thứ 14 thu hút sự tham dự của khoảng 800 đại diện các tập đoàn lớn của hai châu lục. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một trong ba nhà lãnh đạo cấp cao Châu Á được mời đối thoại với các doanh nghiệp hàng đầu đến từ hai châu lục Á-Âu.

Phát biểu tại phiên đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng như các nhà lãnh đạo ASEM nhấn mạnh vai trò ngày càng cao của các doanh nghiệp Á – Âu trong gắn kết kinh tế hai châu lục trong bối cảnh phục hồi kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ yêu cầu cấp bách của ASEM hiện nay là làm sống động và nâng tầm hợp tác, liên kết kinh tế cũng như khẳng định vị thế của ASEM trong Thế kỷ 21.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Tôi đề nghị các bạn tiếp tục cùng đồng hành trong triển khai mạnh mẽ “Kế hoạch hành động thuận lợi hóa thương mại” và “Kế hoạch hành động xúc tiến đầu tư” của ASEM. Đây là nền tảng quan trọng để chúng ta tận dụng các cơ hội mới khi châu Á đang dẫn đầu tăng trưởng kinh tế toàn cầu và châu Âu là một trung tâm công nghệ, sáng tạo và thị trường đầy tiềm năng. Với tiềm lực và sức sáng tạo, các bạn hãy hỗ trợ các thành viên đang phát triển của ASEM trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là bảo đảm an ninh lương thực - nguồn nước - năng lượng,  quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, ứng phó thiên tai”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ rõ hầu hết các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam là các thành viên ASEM. Với triển vọng triển khai và hoàn tất 14 hiệp định thương mại tự do trong giai đoạn đến năm 2020, trong đó có Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - EU đang trong giai đoạn hoàn tất, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 56 đối tác, trong đó có 47 nước thành viên ASEM. Đây là những nền tảng căn bản để Việt Nam nâng tầm đóng góp vào liên kết Á - Âu và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra những cơ hội mới, to lớn cho các doanh nghiệp hai châu lục đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam.


Với chủ đề “
Đối tác trách nhiệm vì tăng trưởng và an ninh bền vững”, ASEM 10 tập trung thảo luận 4 nội dung chính: Các vấn đề kinh tế-tài chính và kết nối Á-Âu; các vấn đề toàn cầu; các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; định hướng tương lai ASEM. Ngoài ra, trước thềm Hội nghị ASEM 10 sẽ diễn ra cuộc họp cấp cao không chính thức ASEAN-EU.

Để góp phần nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam với EU và các đối tác quan trọng khác trong ASEM cũng như đóng góp cho quan tâm chung, trong năm 2014, Việt Nam sẽ tiếp tục có những đề xuất, sáng kiến tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: thực hiện các “Mục tiêu Thiên niên kỷ” (xóa nghèo), đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực, quản lý nguồn nước, ứng phó thiên tai, thúc đẩy hợp tác cụ thể Mekong-Danube. 

Trước đó, trước khi rời Thủ đô Berlin, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức CHLB Đức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu quan trọng trước các chính trị gia, học giả, nhà nghiên cứu hàng đầu của Đức và Châu Âu tại Viện Koerber.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự phiên đối thoại với Diễn đàn doanh nghiệp Á - Âu - ảnh 1

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập các nguy cơ toàn cầu từ xung đột vũ trang, tranh chấp lãnh thổ, sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố, cũng như những thách thức về an ninh phi truyền thống ngày càng nổi lên gay gắt. Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm gần 55% GDP toàn cầu nhưng đang nổi lên là diễn biến phức tạp của các điểm nóng như bán đảo Triều Tiên, các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Đáng lo ngại là sự thiếu hụt lòng tin  nhân tố chủ yếu khiến cho hòa bình, ổn định ở đây chưa thực sự bền vững.Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "
Những nguy cơ, thách thức trên đây đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, sự hợp tác và nỗ lực rất cao của mỗi quốc gia, cả khu vực và toàn thế giới và không một quốc gia nào, kể cả những cường quốc hàng đầu, có thể một mình đủ sức giải quyết được. Để duy trì hòa bình, ổn định một cách bền vững ở khu vực, chúng tôi cho rằng cần có  thiện chí và cộng đồng trách nhiệm của tất cả các nước. Mỗi quốc gia, dù lớn, hay nhỏ, bên cạnh việc chăm lo lợi ích của riêng mình, đều phải quan tâm đến các vấn đề chung của thế giới và lợi ích chính đáng của các nước khác. Đây là nền tảng nhận thức cơ bản để các quốc gia tăng cường quan hệ hữu nghị, thúc đẩy các cơ chế hợp tác, xây dựng lòng tin, giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế".

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là giữ vững môi trường hòa bình ổn định để tập trung phát triển đất nước và cải thiện đời sống của người dân. Thủ tướng nhấn mạnh Chính sách nhất quán của Việt Nam là không liên minh với nước này để chống phá nước khác; kiên định đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, đồng thời luôn chân thành mong muốn
cùng các nước xây dựng lòng tin chiến lược.

Liên quan đến quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Đức trong tổng thể quan hệ Á – Âu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định:
 "Việt Nam – với tư cách thành viên tích cực của ASEAN và Đức – với tư cách là thành viên trụ cột của EU, cần nỗ lực hợp tác chặt chẽ hơn nữa để cùng góp phần tạo xung lực cho hợp tác ASEAN – EU và quan hệ giữa hai lục địa Á – Âu phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phồn vinh ở cả hai châu lục. Sự phát triển đó sẽ tác động trở lại, mang lại một không gian rộng lớn hơn, hiệu quả hơn cho mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Đức".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng trả lời nhiều câu hỏi của các học giả, nhà nghiên cứu hàng đầu của Đức và Châu Âu liên quan đến chính sách, chiến lược phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam, vấn đề dân chủ, nhân quyền và quan điểm của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề về Biển Đông./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác