Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị bàn giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ

(VOV5) - Thủ tướng mong muốn Việt Nam thành công xưởng sản xuất có thể của châu Á, của thế giới, hay của ASEAN.

Sáng 19/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với sự tham dự của gần 300 đại biểu từ các Ban, Bộ, ngành trung ương, một số địa phương, các Hội, Hiệp hội và các doanh nghiệp, doanh nhân trong lĩnh vực công nghiệp Hỗ trợ; đại diện các cơ quan ngoại giao, các chuyên gia, nhà khoa học tâm huyết với phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng công nghiệp hỗ trợ trong nước đã đạt những kết quả tích cực, trong đó đảm bảo 40-45% tỷ lệ nội địa hóa cho ngành dệt may, da giầy, 10-20% cho sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ, 15% điện tử tin học.

Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều tồn tại hạn chế, trong đó Việt Nam chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt, nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra; nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu… 

Từ những hạn chế đó, Thủ tướng mong muốn Việt Nam cần phải đón bắt sự chuyển hướng của các nhà đầu tư,  các nhà sản xuất để Việt Nam thành công xưởng sản xuất có thể của châu Á, của thế giới, hay của ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị bàn giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ - ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. - Ảnh VOV

Về mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh, đến năm 2020, Việt Nam có sản phẩm công nghiệp có khả năng canh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. 

Nhấn mạnh đến giải pháp trụ cột của công nghiệp hỗ trợ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Không có ai thay bằng doanh nghiệp cho nên phát triển các doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước thực sự trở thành động lực quan trọng phát triển đất nước nói chung và cần đặc biệt chú trọng khởi nghiệp sáng tạo, định hướng đầu tư và công nghiệp hỗ trợ. Đây là một khởi nghiệp quan trọng. Giải pháp thứ hai là nhân lực công nghiệp nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 kỷ nguyên số này. Không có cái đó thì khó phát triển. Do đó các địa phương, các bộ, ngành phải tính toán điều này.”

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác