Việt Nam đóng góp tích cực, trách nhiệm vào công việc chung của Hội đồng Bảo an

(VOV5) - Đại dịch COVID-19 đã tạo ra một cuộc khủng hoảng về y tế, xã hội và kinh tế đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh quốc tế.

Ngày 25/11, Việt Nam chủ trì, cùng Na Uy và Nam Phi đồng tổ chức Cuộc họp giữa 10 nước Ủy viên không thường trực đương nhiệm (E10) và 5 nước mới trúng cử Ủy viên không thường trực (I5). Cuộc họp có chủ đề “Nỗ lực chung vì Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hiệu quả: kinh nghiệm và bài học tốt cho các nước mới trúng cử Ủy viên không thường trực” dưới hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp.

Trong phát biểu dẫn đề tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định năm 2020 là một năm khó khăn với cộng đồng quốc tế. Đại dịch COVID-19 đã tạo ra một cuộc khủng hoảng về y tế, xã hội và kinh tế đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh quốc tế, tác động không nhỏ đến hoạt động của Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an.

Việt Nam đóng góp tích cực, trách nhiệm vào công việc chung của Hội đồng Bảo an - ảnh 1Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kỳ vọng cuộc họp E10, I5 lần này sẽ tăng cường hiểu biết, chia sẻ quan điểm, đánh giá về tình hình quốc tế, các kinh nghiệm chuẩn bị và tham gia công việc HĐBA của các nước Ủy viên không thường trực. - Ảnh: VGP 

Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng hoan nghênh các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để duy trì hòa bình, hợp tác và phát triển, khẳng định sự tin tưởng của các nước thành viên Liên hợp quốc vào vai trò điều phối của Liên hợp quốc trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh những cam kết và ưu tiên của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an trong nhiệm kỳ của mình, như thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và giải pháp đa phương để giải quyết xung đột; tăng cường cam kết quốc tế và tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế; thúc đẩy hợp tác giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực, tiểu khu vực; phòng ngừa xung đột; bảo vệ thường dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương và cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang; tái thiết hậu xung đột, trong đó có khắc phục hậu quả bom mìn.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác