Việt Nam ủng hộ tôn trọng và hiểu biết, đối thoại và hợp tác, tất cả quyền con người dành cho tất cả mọi người

(VOV5) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định Việt Nam sẵn sàng đóng góp lớn hơn cho cộng đồng quốc tế.

Hôm qua, phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thường niên thứ 52 Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva (Thuỵ Sỹ), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thông báo những chỉ số nổi bật về nhân quyền tại Việt Nam thời gian qua và khẳng định Việt Nam sẵn sàng đóng góp lớn hơn cho cộng đồng quốc tế: "Là thành viên của nhiều cơ chế đa phương quan trọng, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp quốc, sẵn sàng làm cầu nối để làm giảm sự khác biệt, gia tăng sự hợp tác tại Hội đồng Nhân quyền với phương châm “Tôn trọng và hiểu biết, đối thoại và hợp tác, tất cả quyền con người dành cho tất cả mọi người”.

Việt Nam ủng hộ tôn trọng và hiểu biết, đối thoại và hợp tác, tất cả quyền con người dành cho tất cả mọi người - ảnh 1Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thường niên thứ 52 Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva (Thuỵ Sỹ) sáng ngày 27/2. Ảnh: Quang Dũng/VOV-Paris

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chia sẻ các nhận thức của Việt Nam với tình hình nhân quyền trên thế giới hiện nay. Theo đó, mỗi quốc gia đều có khát vọng chung về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người nhưng mỗi quốc gia, khu vực có thể có cách tiếp cận khác nhau, do những đặc thù về lịch sử, hệ thống chính trị, văn hoá, kinh tế-xã hội. Vì thế, cần thông hiểu và tôn trọng những đặc thù đó để cùng tìm ra mẫu số chung, thay vì chính trị hoá và áp đặt. Nhận thức thứ hai, đó là việc không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay nên việc đối thoại và hợp tác trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hiệp quốc chính là phương thức tốt nhất để tìm kiếm tiếng nói chung. Thứ ba, quyền con người mang tính phổ quát nên cần phải có cách tiếp cận tổng thể, bảo đảm tốt hơn việc thụ hưởng các quyền thiết thân, cơ bản nhất, như quyền được sống trong hoà bình, quyền phát triển, quyền tiếp cận giáo dục, chăm sóc y tế: Hội đồng Nhân quyền cần khẳng định vai trò trung tâm trong thúc đẩy đối thoại trên tinh thần xây dựng, bình đẳng và hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia, trên cơ sở tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Một Hội đồng Nhân quyền hoạt động hiệu quả, tích cực, khách quan, hoà hợp trong đa dạng, không chính trị hoá, không chia rẽ sẽ là hạt nhân kết nối cộng đồng quốc tế.

Việt Nam ủng hộ tôn trọng và hiểu biết, đối thoại và hợp tác, tất cả quyền con người dành cho tất cả mọi người - ảnh 2Ban Chủ tịch phiên khai mạc kỳ họp 52 Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc. Ảnh: Quang Dũng/VOV-Paris

Phó Thủ tướng khẳng định với ý thức và quyết tâm cao của một thành viên Hội đồng nhân quyền, Việt Nam sẽ đóng góp với tinh thần trách nhiệm cao nhất cho công việc của Hội đồng nhân quyền, vì tương lai tốt đẹp hơn của toàn nhân loại.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác