Luật ban hành để thay đổi thực trạng chuyển giao công nghệ tại Việt Nam

(VOV5) - Ngày 2/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) và sẽ thông qua dự án luật này ngày 19/6. Dự án luật sửa đổi lần này có nhiều quy định mới tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường công nghệ tại Việt Nam. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Trương Minh Hoàng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về dự án luật này.
Luật ban hành để thay đổi thực trạng chuyển giao công nghệ tại Việt Nam - ảnh 1Ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội 

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về thực trạng chuyển giao công nghệ tại Việt Nam hiện nay?

Ông Trương Minh Hoàng: Rất nhiều kết quả nghiên cứu, kể cả thực tế đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam sau khi họ đầu tư xong và hết một chu kỳ khai thác thì việc chuyển giao công nghệ cho đội ngũ công nhân Việt Nam là rất ít. Đó mới chỉ là quá trình giữa công nhân Việt Nam tiếp cận với công nghệ quốc tế. Một hạn chế nữa là khi chúng ta chấp nhận những doanh nghiệp đầu tư từ nước ngoài thì khâu đánh giá công nghệ, tiếp nhận của chúng ta cũng có hạn chế. Trong thời gian khá dài (tính đến năm 2014), 50 – 60% công nghệ mà chúng ta đang sử dụng tuy so với chúng ta là tiên tiến nhưng với khu vực thì nó đã là công nghệ trung bình hoặc trung bình thấp. Chỉ có khoảng 10% là thuộc công nghệ cao ở khu vực. Công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trên thế giới chiếm tỷ lệ còn thấp hơn.

PV: Vậy dự án luật chuyển giao công nghệ sửa đổi lần này khắc phục những hạn chế đó như thế nào, thưa ông?

Ông Trương Minh Hoàng: Luật lần này khi chúng ta ban hành cố gắng giải quyết thực trạng trên. Chúng ta phải xác định rõ những công nghệ nào là công nghệ khuyến khích chuyển giao, những công nghệ nào là công nghệ chúng ta nên tính toán để được chuyển giao và giới hạn loại công nghệ nào không được chuyển giao, những công nghệ nào cấm chuyển giao cho dù công nghệ đó là tiên tiến so với Việt Nam nhưng ở nước chuyển giao họ đã không còn sử dụng nữa và nó là lạc hậu thì chúng ta cũng không chuyển giao. Mặt khác để chuyển giao được những ứng dụng đã được duyệt, Nhà nước nên khuyến khích, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng trong đời sống, trong quá trình sản xuất và canh tác của nông dân. Có được như vậy thì năng suất lao động sẽ tăng lên và hiệu quả khai thác sản phẩm sẽ mạnh hơn.

PV: Cùng với việc chuyển giao công nghệ từ đối tác nước ngoài thì việc thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ trong nước, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tự nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cũng rất quan trọng. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Trương Minh Hoàng: Việc làm chủ công nghệ rất quan trọng. Nếu chúng ta cứ mua các công nghệ nước ngoài thì mỗi lần hỏng lại tiếp tục mua; muốn thay thế cũng mua nước ngoài thì nghiên cứu của Việt Nam và công nghệ của Việt Nam chắc chắc sẽ không đủ lớn. Tôi lấy ví dụ như hiện nay tập đoàn viễn thông quân đội Vietel cũng có khá đầy đủ điều kiện để nghiên cứu được các thiết bị định vị la bàn gắn trên tàu, kể cả máy dò tầm ngư, kể cả các phương tiện đi đêm ở trên biển. Tôi thiết nghĩ luật khi ban hành nhà nước phải tính toán để chúng ta đưa hệ thống trang thiết bị này vào phương tiện đánh bắt xa bờ của ngư dân; phải tính toán từ khâu nghiên cứu đến áp dụng thì giá thành như thế nào cho hợp lý. Do vậy nhà nước phải tính đến việc ưu tiên tính thuế thế nào, quá trình nghiên cứu ra sao để công nghệ này khi nghiên cứu ra có thể ứng dụng trên thực tế.

PV: Để làm chủ công nghệ hiện đại, vấn đề nhân lực trong lĩnh vực công nghệ là yếu tố quan trọng. Theo ông cần có chính sách gì để thu hút nhân lực trong lĩnh vực này?

Ông Trương Minh Hoàng: Chất lượng phải nói nhiều góc độ chứ không phải là máy móc hoặc chỉ ứng dụng không mà phải kể đến chất lượng đội ngũ sử dụng thành thạo máy móc đó và đội ngũ các nhà khoa học để nghiên cứu và kể cả đội ngũ lành nghề để đưa nghiên cứu đó đưa vào ứng dụng. Cái thực hiện này phải đồng bộ như thế thì mới hiện thực được việc chuyển giao công nghệ. Tôi nghĩ phải có tính toán để thu hút nguồn nhân lực giỏi thực sự  và có tài năng thực sự. Đội ngũ đó không thiếu nhưng bây giờ tính giải pháp. Tôi hy vọng các thành phố đang thực hiện những cơ chế đặc biệt như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tới đây là Hải Phòng và một số thành phố trực thuộc TW hay kể cả một số khu kinh tế đặc biệt cần tính toán để thu hút nhân lực giỏi về đây. Trước mắt là thu hút vào các trung tâm công nghệ ứng dụng công nghệ cao, kể cả các sản xuất trong lĩnh vực  nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ cơ sở đó chúng ta sẽ nhân rộng ra các mô hình. Tôi tin là lực lượng thanh niên trẻ hiện nay vẫn hướng về đất nước. Nếu chúng ta tạo điều kiện, tạo cơ hội tốt và khuyến khích lòng đam mê của các cháu thì đội ngũ này sẽ không thiếu.

Xin cảm ơn ông.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác