Các FTA thế hệ mới tác động tích cực tới xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư

(VOV5) - Hiện tại, Việt Nam đã ký kết và thực thi 19 FTA; trong đó, phần lớn các FTA đã phát huy tác dụng, nâng cao vị thế thương hiệu hàng hoá Việt Nam tại thị trường quốc tế.

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế nhờ vào việc đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tham gia các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới, đã giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là trong hoạt động xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với trên 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20). Trong đó, 15 FTA có hiệu lực, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu, củng cố thị trường truyền thống, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia vào các thị trường tiềm năng trên thế giới. Ở tất cả thị trường Việt Nam có FTA đều ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu vượt trội, năm sau cao hơn năm trước.
Các FTA thế hệ mới tác động tích cực tới xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư - ảnh 1Tham gia các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới, đã giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là trong hoạt động xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Bộ Công Thương, kết quả triển khai Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) và các FTA thế hệ mới… đã tác động tích cực tới hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, thu hút đầu tư. Đơn cử, đối với Hiệp định CPTPP, trong năm ngoái, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên CPTPP đạt 104,5 tỷ USD, tăng hơn 14% so với năm 2021. Cùng đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt 53,6 tỷ USD, tăng hơn 17% so với năm 2021. Đối với Hiệp định EVFTA, trong năm ngoái, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước EU đạt hơn 62 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước EU đạt 46,8 tỷ USD. Đối với Hiệp định UKVFTA, trong năm ngoái, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 6,8 tỷ USD, tăng 3,3% với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh đạt trên 6 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2021. Nhiều mặt hàng quan trọng của Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh tiếp tục có tỷ lệ tận dụng tích cực.

Ngoài ra, việc ký kết các FTA thế hệ mới đã đưa Việt Nam trở thành một nơi thuận lợi cho đầu tư quốc tế để kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, đặc biệt là với nhiều nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Hiện ngày càng nhiều nhà đầu tư lớn, vừa và nhỏ từ các quốc gia phát triển dần chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam. Mặt khác, khi đầu tư  vào Việt Nam, các đối tác ký kết EVFTA và CPTPP sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường 650 triệu dân năng động của Đông Nam Á. Những điều kiện này đã mở ra cơ hội vàng cho Việt Nam đón nhận nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm nay, Việt Nam có thể thu hút 36 - 38 tỉ USD vốn FDI, tăng khoảng 30% đến 37% so với con số 27,72 tỉ USD của năm ngoái. Để con số này thành hiện thực, Việt Nam đã hoàn thiện chính sách đầu tư, khuyến khích đầu tư mạnh hơn nữa để phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm thỏa mãn yêu cầu về xuất xứ; cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trình độ công nghệ. Đồng thời, tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư đến các nhà đầu tư lớn, có uy tín, có tiềm lực công nghệ, tài chính trên toàn cầu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác