Hiệu quả từ thiết bị sấy ứng dụng năng lượng mặt trời do người Việt sáng chế

(VOV5) -  Thiết bị sấy ứng dụng năng lượng mặt trời này đáp ứng bộ thông số sấy đa dạng cho từng sản phẩm sấy như: nhiệt độ sấy, thời gian sấy, tốc độ của luồng không khí sấy, chế độ tách ẩm.

Từ một đề tài nghiên cứu khoa học đặt hàng từ Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, thạc sĩ Phan Văn Hiệp, giảng viên trường Đại học Văn Hiến, đã thiết kế thiết bị sấy ứng dụng năng lượng mặt trời vào năm 2017. Thiết bị sấy được đa dạng các sản phẩm từ nông sản đến hải sản như: cá, tôm, các loại trái cây, rau, củ quả, giúp người dân giảm sức lao động, tiết kiệm điện năng và nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch. Thạc sĩ Phan Văn Hiệp chia sẻ về những hiệu quả mà thiết bị sấy ứng dụng năng lượng mặt trời đem lại cho bà con nông dân. 

Hiệu quả từ thiết bị sấy ứng dụng năng lượng mặt trời do người Việt sáng chế - ảnh 1Bà con nông dân thao tác sấy bong bóng cá tra tại Cờ Đỏ, Cần Thơ.

Phóng viên: Thưa anh, thiết bị sấy năng lượng mặt trời do anh thiết kế còn có tên gọi là “máy sấy vạn năng”, “máy sấy đa năng”. Anh cho biết thiết bị này có thể sấy cho những sản phẩm nào?

Thạc sĩ Phan Văn Hiệp: Cho đến thời điểm hiện tại, thiết bị của tôi có thể sấy được hầu hết các sản phẩm từ các loại thủy hải sản như: tôm, cá, mực hay các phụ phẩm thủy sản như: bong bóng cá tra, da cá tra hay ruột bươu vàng, vảy cá, v.v cho đến các loại nông sản, các loại trái cây như: những loại trái cây sấy dẻo gồm: chuối, nhãn, xoài sấy dẻo và các loại trái cây sấy giòn để làm trà detox hoặc là sấy giòn để nghiền bột làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.

Hiệu quả từ thiết bị sấy ứng dụng năng lượng mặt trời do người Việt sáng chế - ảnh 2
Hiệu quả từ thiết bị sấy ứng dụng năng lượng mặt trời do người Việt sáng chế - ảnh 3
Thiết bị có thể thấy sấy được các loại bún, bánh tráng, hủ tiếu cho đến các thực phẩm như: khô bò một nắng, khô gà, các loại thịt, v.v. Thiết bị còn có thể sấy được các loại dược liệu. Ví dụ như: nấm linh chi, khổ qua rừng, đinh lăng. Ở Quãng Ngãi, tôi cũng đã sản xuất thiết bị sấy tinh bột nghệ, tinh bột gừng, v.v.
Hiệu quả từ thiết bị sấy ứng dụng năng lượng mặt trời do người Việt sáng chế - ảnh 4

Tại sao máy sấy này sấy được rất nhiều sản phẩm như vậy? Vì tôi thiết kế thiết bị này có thể đáp ứng được bộ thông số sấy rất đa dạng cho từng sản phẩm sấy. Đó là về nhiệt độ sấy, thời gian sấy, tốc độ của luồng không khí sấy, chế độ tách ẩm cho những sản phẩm sấy đặc biệt. Đó là lý do thiết bị của tôi còn có tên là “máy sấy vạn năng”.

Phóng viên: Cụ thể, sử dụng thiết bị này tiết kiệm năng lượng cho người dân như thế nào, thưa anh?

Hiệu quả từ thiết bị sấy ứng dụng năng lượng mặt trời do người Việt sáng chế - ảnh 5Thạc sĩ Phan Văn Hiệp

Thạc sĩ Phan Văn Hiệp: Trong tất cả các giải pháp sấy, đây là giải pháp sấy tiết kiệm năng lượng. Ví dụ 500 kg cá dứa một nắng sấy trong vòng 4 tiếng đồng hồ, điện năng tiêu thụ chỉ tiêu tốn tương đương khoảng 10 kw giờ điện. Hay nói cách khác chi phí điện năng tầm khoảng 20.000 đồng cho 500 kg cá dứa thành phẩm. Đây là một trong những điểm nổi bật mà thiết bị mang lại cho bà con. Đó là tiết kiệm chi phí về điện năng, chi phí năng lượng cho người dân.

Điểm thứ hai là sử dụng công nghệ sấy động giúp cho sản phẩm gần như khô đều tuyệt đối từ tầng đầu tiên đến tầng cuối cùng. Thông thường, thiết bị của chúng tôi có từ 15 đến 30 tầng sấy sẽ rút ngắn 40% thời gian so với phơi nắng.

Điểm thứ ba, tôi sử dụng công nghệ đèn cực tím dải C để tạo ra khí ozone và giúp khử dòng vi sinh phổ biến trên thủy sản, thực phẩm và các dòng nấm mốc ký sinh trên thân lục bình, trên những loại trái cây, rau củ quả.

Ưu điểm nổi bật tiếp theo là sử dụng công nghệ tách ẩm ngõ vào. Nhờ công nghệ tách ẩm này, luồng không khí bên ngoài trước khi vào trong thiết bị sấy được lọc bụi, tách nước và rất khô. Do vậy, có thể thấy nhiệt độ trung bình thấp mà sản phẩm khô rất nhanh và giữ được cảm quan màu sắc và hình thể rất đẹp.

Hiệu quả từ thiết bị sấy ứng dụng năng lượng mặt trời do người Việt sáng chế - ảnh 6Thiết bị sấy cá trục ngang tại Cần Giuộc, Long An.

Phóng viên: Theo anh nhận thấy, người dân tích cực hưởng ứng đầu tư ứng dụng năng lượng mặt trời vào hoạt động sản xuất, sinh hoạt ra sao? Ý kiến của người tiêu dùng về thiết bị này như thế nào?

Thạc sĩ Phan Văn Hiệp: Sau gần 4 năm, từ khi đưa công nghệ và thiết bị này ra thị trường, tôi nhận thấy nhu cầu ứng dụng năng lượng mặt trời vào hoạt động sản xuất và sinh hoạt của bà con, của các doanh nghiệp trong nước rất mạnh mẽ vì hàng loạt những ưu điểm.

Ưu điểm đầu tiên chính là tiết kiệm năng lượng. Đối với một số sản phẩm giá trị gia tăng không cao. Ví dụ như thân lục bình thì tất cả những giải pháp sấy hiện có trên thị trường đều đẩy giá thành của sản phẩm lên rất cao. Chỉ có mỗi một giải pháp là ứng dụng năng lượng mặt trời để sấy đã giúp tiết kiệm được chi phí và hạ giá thành thì mới tạo ra giá trị gia tăng cao, lợi nhuận cao hơn cho bà con, cho các cơ sở sản xuất.

Hiện nay, với thiết bị này, có lẽ để cho người tiêu dùng đánh giá, sẽ khách quan hơn. Tôi chỉ có thể khẳng định sau thời gian thương mại hóa ra thị trường, thiết bị và công nghệ của chúng tôi đã có mặt ở nhiều nơi trên cả nước từ Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau... Thiết bị đã sấy đa dạng các sản phẩm của nông nghiệp từ thủy hải sản, nông sản, trái cây, dược liệu, thực phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, v.v.

Phóng viên:  Xin cảm ơn anh với những thông tin về một sản phẩm hữu ích giúp nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác