Khai mạc Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam 2023

(VOV5) - Việc triển khai hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường và đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân. 

Tối qua (09/12), tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Lễ khai mạc Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên “Tự hào hàng Việt Nam”,“Tinh hoa hàng Việt Nam” năm 2023. Chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 – 2025.

Khai mạc Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam 2023 - ảnh 1Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Chương trình "Tự hào hàng Việt Nam, Tinh hoa hàng Việt Nam" năm 2023. Ảnh: dangcongsan.vn

Trải qua 7 năm tổ chức, Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam đã thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, doanh nghiệp trên quy mô toàn quốc. Chương trình không chỉ là hoạt động thiết thực để hưởng ứng và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mà còn tiếp tục khẳng định lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người dân, khẳng định vai trò, năng lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho rằng: “Các doanh nghiệp Việt Nam trong mọi tình huống, kể cả những lúc khó khăn nhất đối với thị trường xuất khẩu thì đều có thể quay về thị trường trong nước để tìm được phân khúc của mình. Qua đó, xây dựng được mạng lưới phân phối cũng như những bạn hàng truyền thống phục vụ cho 100 triệu người dân trong nước. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, sức mua của thị trường trong nước cần phải được đẩy mạnh hơn nữa bằng những chương trình kích cầu hiệu quả, thiết thực phù hợp với nhu cầu của người dân...”

Thời gian qua, việc triển khai hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường và đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân. Cuộc vận động đã góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, từ năm 2009 đến nay, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ hàng năm đều có mức tăng trưởng khoảng 10%.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác