Tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp

(VOV5) - Cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để nắm bắt và làm chủ những tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp - ảnh 1

Các sản phẩm do các nhà khoa học ứng dụng KHCN vào nông nghiệp - Nguồn: cand.com.vn

Tại hội thảo “Nông nghiệp công nghệ cao: các vấn đề và giải pháp” do Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 7/4 ở Hà Nội, các đại biểu đề xuất ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường kết nối trong chuỗi giá trị là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam.

Các tham luận tại hội thảo tập trung phân tích, đánh giá và nêu lên các giải pháp trong tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam như: cơ chế chính sách hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong chuỗi liên kết giá trị.

Điểm nhấn của hội thảo đề cập đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong tiếp cận và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đây được coi là phương pháp cung cấp nông sản, thực phẩm minh bạch, đồng thời tạo mối liên kết giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Ông Đào Ngọc Nam, Giám đốc công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ Nông nghiệp An Việt, cho biết: “Chúng tôi xây dựng Trung tâm dữ liệu tập hợp các dữ liệu của nhà sản xuất, các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà phân phối sản phẩm dữ liệu thường xuyên được cập nhật thông qua hệ thống công nghệ thông tin. Để tiếp cận những dữ liệu này, người nông dân chỉ cần điện thoại thông minh hoặc máy vi tính kết nối mạng là có thể tìm hiểu, học hỏi những thông tin về thị trường, kiến thức sản xuất trên hệ thống. Với hệ thống này nông dân cũng như các doanh nghiệp có thể theo dõi quy trình, chất lượng và số lượng các nông sản từ khi trồng đến khi thu hoạch qua đó liên kết lại với nhau để tiêu thụ nông sản”.

Các đại biểu cũng cho rằng, để đáp ứng những yêu cầu trong việc tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao, cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để nắm bắt và làm chủ những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đối với mỗi vùng, miền có lợi thế về phát triển nông nghiệp, phải có chiến lược riêng về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác