Tìm giải pháp gỡ khó cho xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ, dệt may và da giày

(VOV5) - Hiện Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, sát sao các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.

“Những thông tin về tình hình thị trường và các kế hoạch, biện pháp chuyển hướng kết nối, khai thác thị trường đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giày Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn” là những nội dung được bàn thảo tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7, do Bộ Công Thương tổ chức chiều qua, tại Hà Nội.

Tìm giải pháp gỡ khó cho xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ, dệt may và da giày - ảnh 1

Hiện nay, nhiều ngành hàng gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, trong đó, những ngành hàng như dệt may, da giày, gỗ, máy móc, điện thoại và linh kiện… với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU)... có mức sụt giảm nhiều nhất. Đồng thời, giai đoạn vừa qua, tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến rất phức tạp, khó lường, nổi lên trong đó là cuộc xung đột Nga - Ukraine; hậu quả của dịch Covid-19 kéo dài, làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng.

Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh:Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều thách thức đặt ra cho ngành Công Thương, chúng ta lại càng thấy vai trò của công tác xúc tiến thương mại. Công tác này được xác định là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả, bắt buộc phải làm và góp phần cải thiện 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Hiện Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, sát sao các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng. Bộ Công Thương tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước, đa dạng hóa nguồn cung, đối tác. Bộ cũng tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, củng cố vị thế tại các thị trường đã có các hiệp định thương mại tự do, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại, để đưa hàng hoá Việt Nam ra thị trường nước ngoài.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác