Việt Nam tiếp tục tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực

(VOV5) - Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực năm thứ hai liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025. 

Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á (e-Conomy SEA report) 2023 do Google, Temasek và Bain & Company công bố hôm 06/11 đã cập nhật xu hướng kinh tế số của 6 quốc gia, gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Theo báo cáo, Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực năm thứ hai liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025. Cụ thể, Việt Nam có mức tăng trưởng kép 19% và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025.

Việt Nam tiếp tục tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực - ảnh 1Quang cảnh buổi công bố báo cáo. Ảnh: qdnd.vn

Tổng giá trị hàng hóa của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR), từ 30 tỷ USD trong năm nay lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025. Dự báo, tăng trưởng về tổng giá trị hàng hóa trong hai năm tới sẽ được dẫn dắt bởi thương mại điện tử và du lịch trực tuyến.

Trong đó, thương mại điện tử ở Việt Nam tăng 11% từ năm 2022 đến 2023 và được kỳ vọng tăng 22% đến năm 2025, hướng đến mục tiêu tổng giá trị hàng hóa đạt 24 tỷ USD trong năm 2025. Ngành Du lịch được dự báo sẽ hoàn toàn hồi phục trong năm nay, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch nội địa. Các lĩnh vực quan trọng khác tiếp tục phát triển và góp phần thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam, gồm: Ngành Vận tải và thực phẩm (dịch vụ giao đồ ăn); truyền thông trực tuyến.

Việt Nam cũng là quốc gia có mức thanh toán kỹ thuật số tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong năm nay. Cụ thể, trong khi tỷ lệ áp dụng thanh toán số tại khu vực Đông Nam Á đạt 50%, Việt Nam cũng đang thúc đẩy xu hướng này và trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán số, tăng 19% từ năm 2022 đến năm 2023; dự báo sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kép hằng năm ở mức 13% trong giai đoạn 2023-2025.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác