Việt Nam và Đức họp phiên thứ hai Uỷ ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế

(VOV5) - Phía Đức mong muốn tham gia vào các dự án đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, y tế và số hóa.
Việt Nam và Đức họp phiên thứ hai Uỷ ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế - ảnh 1Phiên họp lần hai Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế Việt Nam-Đức đã diễn ra tại trụ sở Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu liên bang Đức (BMWK) ở Berlin - Ảnh: Bộ Công thương

Phiên họp lần thứ hai Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế Việt Nam - Đức diễn ra hôm qua (23/02), tại trụ sở Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu liên bang Đức (BMWK) ở Berlin, dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và Quốc vụ khanh BMWK Udo Philipp.

Về quan hệ kinh tế song phương, phía Đức mong muốn tham gia vào các dự án đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, y tế và số hóa thông qua trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ. Trong lĩnh vực hợp tác năng lượng, hai bên mong muốn nâng cấp từ Đối thoại Năng lượng lên quan hệ Đối tác Năng lượng nhằm thúc đẩy và tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam và Đức.

Việt Nam và Đức họp phiên thứ hai Uỷ ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế - ảnh 2Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và Quốc vụ khanh BMWK Udo Philipp ký Biên bản phiên họp lần thứ hai Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế Việt Nam-Đức. Ảnh: Bộ Công thương

Trong lĩnh vực công nghiệp và chuyển đổi số, hai bên mong muốn tăng cường hợp tác trong sản xuất ô tô; khuyến khích các công ty Đức tìm kiếm nhà cung cấp linh kiện và phụ kiện tại Việt Nam; và đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực khác, như: dệt may, da giày, điện tử và sản xuất công nghệ cao.

Về hợp tác thương mại, hai bên tập trung trao đổi về các giải pháp nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính và tháo gỡ các rào cản thương mại không thuế. Hai bên đồng ý hỗ trợ và bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm của nhau theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)và luật pháp của cả hai nước. Việt Nam đề nghị Đức phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA), khuyến khích doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam, và tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản và thủy sản của Việt Nam vào thị trường Đức.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác