Hướng đi mới cho nghề đậu bạc

(VOV5) - Với niềm đam mê nghề đậu bạc từ bé, chị Nguyễn Hồng Hạnh, một người con thủ đô, vẫn luôn trăn trở làm thế nào để phát triển nghề đậu bạc truyền thống và đưa các sản phẩm đến gần hơn với đời sống.
Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước. Do biến đổi của thời gian và chịu sự cạnh tranh từ nhiều sản phẩm khác, những sản phẩm của làng nghề dần bị mai một. Bên cạnh những người từ bỏ nghề truyền thống thì một bộ phận không nhỏ vẫn miệt mài tìm cách giữ “lửa” và tìm hướng đi mới cho những làng nghề. Với niềm đam mê bạc đậu từ bé, chị Nguyễn Hồng Hạnh – một người con Thủ đô – luôn trăn trở làm thế nào để phát triển nghề đậu bạc truyền thống và đưa các sản phẩm đến gần hơn với đời sống.
  

Những sản phẩm về hoa sen, hoa hồng, những bức tranh chân dung, linh vật phong thủy hay nét chữ thư pháp, ... làm bằng bạc không mới lạ, nhưng việc kết hợp giữa bạc đậu se sợi thủ công và bạc đúc trong cùng một tác phẩm là điểm mới đáng kể trong nghề kim hoàn.

Hướng đi mới cho nghề đậu bạc - ảnh 1Sản phẩm bạc đậu linh vật phong thủy. Ảnh: CTV Tuấn Minh, Quân Hoàng/VOV5
Hướng đi mới cho nghề đậu bạc - ảnh 2Sản phẩm bạc đậu thư pháp. Ảnh: Sen Bạc

Sinh ra và lớn lên trong khu phố cổ Hà Nội, có bà nội làm nghề bạc, chị Nguyễn Hồng Hạnh được tiếp xúc với từng công đoạn làm ra một sản phẩm bạc từ rất sớm. Tình yêu với nghề tinh hoa này ngày một lớn dần lên, chị quyết tâm góp một phần công sức nhỏ bé của mình để phát triển hơn nữa ngành nghề truyền thống của dân tộc. Ánh mắt chị lấp lánh khi kể về kỷ niệm ấn tượng gần đây nhất, công ty của chị nhận đơn đặt hàng một bức tranh chân dung cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để tặng cho phu nhân của ông, bà Akie Abe, nhân chuyến thăm Việt Nam của bà. Chị Hạnh chia sẻ: “Trong quá trình chế tác, gần như một bên là nghệ nhân, một bên là anh Tuấn Hùng – người thiết kế và vẽ ra bản vẽ chân dung bạc đậu – ngồi bên cạnh nhau trong 2 hay 3 ngày gì đó để có thể tạo ra những chi tiết. Vì người Nhật rất thích màu vàng ấm nên là bức chân dung sẽ được mạ vàng. Khi các chi tiết đã xong thì vào tranh làm sao để chuẩn và không bị thay đổi thần thái của bức chân dung lại là một khâu nữa rất khó khăn với ekip. Lúc này, người thợ vào tranh cũng phải ngồi bên cạnh người thiết kế và vẽ ra để vào tranh cho đúng cho chuẩn. Mình rất là mừng. Khi bức chân dung được đối tác bên mình tặng cho phu nhân của cố Thủ tướng Nhật Bản, cô ấy đã rất xúc động. Mình nghĩ bức chân dung đã chạm vào trái tim của cô ấy. Đấy là một điều rất hạnh phúc đối với những người thực hiện món quà tặng đó”.

Theo sử gia Phan Huy Chú, nghề đậu bạc làng Định Công đã có khoảng 1500 năm nay. Sản phẩm đậu bạc của Định Công nức danh khắp đất Kinh kỳ xưa và nhiều nghệ nhân được vào Kinh thành làm đồ trang sức cho Triều đình. Theo thời gian, nghề đậu bạc ở Định Công gần như mai một, nhưng giữa vòng tranh tối tranh sáng đó vẫn còn những người yêu nghề, gắn bó và gìn giữ gia sản của cha ông.
Hướng đi mới cho nghề đậu bạc - ảnh 3Nghề đậu bạc làng Định Công đã có khoảng 1500 năm nay. Ảnh: CTV Tuấn Minh, Quân Hoàng/VOV5

Sen Bạc được chị Hạnh thành lập vào năm 2020, ngay giữa thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Dịch COVID-19 trở thành dấu mốc lịch sử của nhân loại khi không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng triệu người mà còn ảnh hưởng tàn khốc đến nền kinh tế toàn cầu. Những làng nghề truyền thống của Việt Nam luôn là địa chỉ đỏ của du khách quốc tế, bỗng chốc im lìm, không người qua lại, kéo theo tình trạng thất nghiệp hàng loạt.

Với trái tim không ngừng rung động khi cầm một sản phẩm bạc đậu, chị Hạnh đã hạ quyết tâm biến niềm đam mê của mình thành hành động: tiếp tục giữ “lửa” cho những sản phẩm bạc đậu bằng những phiên bản mới mẻ hơn, hiện đại hơn. Chị quả quyết: “Đã đến lúc phải thay đổi”. Chị nói: “Thực sự đối với nghề này, chỉ vì một thời gian ngắn không có khách du lịch đến mà bị mai một đi là một điều rất đáng tiếc. Mình đã trao đổi với 2 đến 3 xưởng bạc đậu về sự thay đổi cần có. Đầu tiên mình đề nghị mọi người có những sự thay đổi trong góc nhìn. Từ năm 2007 trở đi, chủ yếu bạc đậu được sản xuất, chế tác để phục vụ khách du lịch. Họ sẽ chế tác những sản phẩm phổ biến như là tranh hay các biểu tượng liên quan đến truyền thống của Việt Nam. Ví dụ như hình ảnh chùa Một Cột hay là chợ Bến Thành, chợ Đồng Xuân. Khách hàng sẽ cảm thấy ngạc nhiên và cảm thấy thán phục trong lần đầu tiên thôi, lần thứ hai thì họ đã bắt đầu thấy chán rồi. Mình mong muốn các xưởng hãy coi lõi bạc đậu hay giá trị bạc đậu chính là sự tinh tế, sự khéo léo của người thợ khi làm nên những sợi chỉ bạc. Và sợi chỉ bạc nó phải tinh tế như nét vẽ. Khi đó, bất kể một người họa sĩ hay người thiết kế vẽ ra, các nghệ nhân chế tác bạc đậu đều phải làm được. Lúc đó hướng phát triển bạc đậu cũng sẽ rộng mở”.

Hướng đi mới cho nghề đậu bạc - ảnh 4Dụng cụ đậu bạc. Ảnh: CTV Tuấn Minh, Quân Hoàng/VOV5

Đậu bạc tức là kéo bạc đã nung chảy thành những sợi chỉ bạc, rồi từ những sợi chỉ này chuyển thành những hình hoa lá, chim muông... Đậu phải làm thủ công chứ không thể bằng máy. Để tạo ra những sản phẩm sinh động, có hồn, không thể bỏ qua vai trò quan trọng của những người thợ kim hoàn.

Hướng đi mới cho nghề đậu bạc - ảnh 5
Hướng đi mới cho nghề đậu bạc - ảnh 6Một công đoạn chế tác sản phẩm bạc đậu. Ảnh: CTV Tuấn Minh, Quân Hoàng/VOV5

Hiện tại, xưởng Sen Bạc có 8 thợ kim hoàn. Anh Trịnh Văn Tôn cho biết, anh đến với nghề khi anh từ quê ra Hà Nội học đại học vào năm 2003 và ở trọ ngay trong làng Định Công – cái nôi của nghề đậu bạc giữa đất Kinh kỳ. Gắn bó với nghề gần 20 năm nhưng, anh chia sẻ, có thời gian anh phải ngắt quãng để làm kinh tế. Sau khi kinh tế ổn định hơn, anh trở lại với đam mê của mình: làm và phát triển bạc đậu. Và cứ thế, những con người cùng chung đam mê, chấp nhận thay đổi và dám thay đổi có cơ hội gặp nhau để tiếp nối những ấp ủ của mình trong tương lai. Khó khăn trở thành thử thách. Nhưng niềm tin và tâm huyết với nghề đã tạo động lực để anh vượt qua. Anh Tôn cho biết: “Thật sự khi tiếp cận cái mới, đưa cái mới vào trong dòng sản phẩm cũ thì cũng gặp rất nhiều khó khăn. Có khi là giữa chừng không được và làm lại từ đầu. Nhưng bắt nguồn từ niềm tin cũng như là sự cố gắng và mình chấp nhận bỏ thời gian vào những sản phẩm. Tâm huyết từ khâu thiết kế cho đến khâu thực hiện công việc. Khi mà hoàn thành xong, sản phẩm đến tay khách hàng người ta hài lòng nhất thì sẽ giúp mình có những động lực để vượt qua.”

Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại vào một sản phẩm làng nghề là chuyện chưa bao giờ dễ dàng. Càng khó khăn hơn khi nghề đậu bạc không cạnh tranh về giá cả với bạc đúc vì bạc đậu phải làm hoàn toàn thủ công, không theo một khuôn khổ nhất định. Và chị Hạnh đã chọn cách cá nhân hóa những sản phẩm của mình để mang lại những sản phẩm vừa tinh tế, sang trọng vừa phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Chị chia sẻ: “Mình còn nhớ là sản phẩm bạc đậu đầu tiên là một cái kẹp sách mình làm cho một anh luật sư ở bên Canada. Kẹp sách bạc đậu đó mang hình lá phong có lồng chữ ký của anh ấy vào. Khi anh ấy nhận được sản phẩm, thực sự anh ấy rất thán phục và cảm thấy rất hài lòng. Anh ấy nói với mình: “Nếu như tiếp tục với hướng đi như thế này thì sẽ còn đi rất xa”. Một feedback từ khách hàng đầu tiên đấy đã mang lại cho mình sự tự tin để tiếp bước. Và câu chuyện cá nhân hóa thì không dừng lại ở chữ ký, mình đã phát triển ở những phiên bản khác nữa như là các nickname hay cao hơn nữa là các bức chân dung. Một bức tranh chân dung thông thường thì rất phổ biến nhưng nếu một bức tranh chân dung làm bằng bạc, vàng thì là một sự khác biệt rất lớn. Nó nâng tầm của bức tranh chân dung đấy lên rất là nhiều”.
Hướng đi mới cho nghề đậu bạc - ảnh 7Sản phẩm kẹp sách hoa hồng. Ảnh: Sen Bạc
Hướng đi mới cho nghề đậu bạc - ảnh 8Những sản phẩm bạc đậu phải làm hoàn toàn thủ công, không theo một khuôn khổ nhất định. Ảnh: Sen Bạc

Chị Hạnh chia sẻ, có được những thành công bước đầu đó là nhờ sự động viên lớn lao của một người bạn, một người chồng, anh Trần Tuấn Hùng. Là thành viên của ban nhạc rock Bức Tường, hơn nữa lại là một kiến trúc sư, anh Trần Tuấn Hùng đã luôn đồng hành cùng chị Hạnh ngay từ khi Sen Bạc mới thành lập. Từ những nét vẽ, theo anh là có phần ngô nghê, giờ đây đã trở nên mềm mại hơn, có hồn hơn.

Hướng đi mới cho nghề đậu bạc - ảnh 9Chân dung cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe do nghệ sĩ Trần Tuấn Hùng phác thảo. Ảnh: CTV Tuấn Minh, Quân Hoàng/VOV5 

“Tôi không nhớ mình đã vẽ ra bao nhiêu sản phẩm bạc đậu rồi bởi vì rất là nhiều. Từ những biểu tượng đặt trên bàn làm việc như một chiếc thuyền hay những linh vật như con gà, con hổ, con mèo, con dê hay rất nhiều thứ khác. Thậm chí là một chiếc máy bay hay một chiếc giày bóng đá chẳng hạn. Tôi thấy nó rất thú vị ở chỗ là bất cứ một sản phẩm nào mình đều có thể chuyển hóa được thành biểu tượng trên bàn như một bức tranh, móc đeo chìa khóa hay một cái kẹp sách. Năm 2003, tôi được họa sĩ Trần Tuy tặng cho một bức chân dung. Tôi có chuyển những nét vẽ ấy sang họa tiết của bạc đậu và gửi cho anh Tôn để thực hiện. Đó là một bức tranh mà tôi rất ưng ý và từ đó nảy sinh ra thêm rất nhiều ý tưởng về việc vẽ những bức tranh chân dung hoặc là bất cứ thứ gì mình thích mà có thể làm bằng ngôn ngữ bạc đậu. Đó là những điều hết sức tuyệt vời. Mặc dù để làm ra những sản phẩm đó sẽ mất rất nhiều công đoạn và mất rất nhiều thời gian, nhưng nó sẽ là những thứ rất nhiều cảm xúc và có thể nói là độc nhất vô nhị”, anh Hùng cho biết.

Hướng đi mới cho nghề đậu bạc - ảnh 10Trâm cài áo hoa hồng. Ảnh: Sen Bạc
Hướng đi mới cho nghề đậu bạc - ảnh 11Ảnh: CTV Tuấn Minh, Quân Hoàng/VOV5 

“Wow”, “Chúc mừng Sen Bạc, sản phẩm đẹp và tinh tế quá”, “Đẹp hơn trong ảnh nhiều ạ”, … Đó là những phản hồi mà khách hàng dành cho những sản phẩm của Sen Bạc.

Hướng đi mới cho nghề đậu bạc - ảnh 12Hoa sen bạc dùng thả trà là một trong những sản phẩm được yêu thích nhất của Sen Bạc. Ảnh: Sen Bạc
Hướng đi mới cho nghề đậu bạc - ảnh 13Sản phẩm sen bạc thả trà vừa tinh tế, vừa tốt cho sức khỏe. Ảnh: Sen Bạc

Đối với chị Hạnh, chồng chị - nghệ sĩ Tuấn Hùng, cùng những người thợ kim hoàn ngày đêm miệt mài lên ý tưởng và cho ra đời những sản phẩm bạc đậu tinh tế, Sen Bạc không chỉ đơn thuần là một công ty kinh doanh mà còn là nơi lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha, là nơi lưu giữ những nét xưa và nay trong từng sản phẩm bạc đậu.

Phản hồi

Các tin/bài khác