Nhất Chi mai - hoa “quân tử” Hà Nội phố xuân

(VOV5) -Em Hà Nội, hơi thở ấm bên tôi, có chút mơ hồ bối rối, cảm giác em và cây hoa Nhất Chi mai là một, làm tôi si mê như trong một cơn mơ làm thần tiên chốn bồng lai. 

"Vị tình lai ký nhất chi mai hữu biệt hoài”

Vì tình gửi tới một cành mai tỏ nhớ nhung.

Nhất Chi mai - hoa “quân tử” Hà Nội phố xuân - ảnh 1

Từ phương Nam nắng gió, theo lời mời của em Hà Nội, tôi bay ra ngắm trăng rằm Nguyên tiêu phố cổ trong cái lạnh se sắt và cơn mưa phùn giăng mắc dệt lưới tơ nước liêu xiêu hư ảo. Giống một cú sét ái tình khi nhìn thấy chậu bonsai Nhất Chi mai đặt trên đôn sứ Bát Tràng xanh lam trước bộ tứ bình Cầm- Kỳ- Thi- Họa trong gian khách ngôi đình cổ Kim Ngân ở phố Hàng Bạc. Một gốc cây gầy guộc xù xì phủ rêu xám, một dáng cành “huyền” mềm mại đến nao lòng, một sắc trắng tinh khôi thanh khiết khiêm nhường của hoa điểm xuyết ửng hồng của nụ, hòa cùng màu chồi non lá xanh như ngọc biếc, phảng phất hương nhẹ như làn gió thơm thoát tục.., tất cả đã níu hồn làm tim tôi lạc phách.

Nhất Chi mai - hoa “quân tử” Hà Nội phố xuân - ảnh 2

Một vẻ đẹp thanh nhã quý phái mà thánh thiện trong giá lạnh, hình như không có chút phàm trần hiện diện nơi đây, thảng như một ảo giác, tôi đang lạc vào một không gian thần tiên. Mê hoặc, đưa tay chạm khẽ vào cánh hoa, cảm nhận một làn hương ấm áp mềm mại bao bọc, cảm nhận một luồng khí mạnh mẽ lan tỏa. Thời gian bất giác như xuyên không ngược về ngàn năm trăm năm Thăng Long thành…

Nhất Chi mai - hoa “quân tử” Hà Nội phố xuân - ảnh 3

Nhất Chi mai còn gọi là Hàn mai, Bạch mai, Nhị Độ mai… Theo văn hóa phương Đông được xếp trong "Thập đại danh hoa", thuộc nhóm tứ quý "tùng- cúc- trúc- mai", ở thi ca cổ điển Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng còn được xưng tụng là một trong “Tuế hàn Tam hữu”, “Tam Ích hữu”- 3 loài cây trong tuyết lạnh, 3 người bạn có ích: Ngự Sử Mai, Trượng Phu Tùng, Quân Tử Trúc. Và có lẽ ít ai biết, ngày xưa Thăng Long thành đã có những ngôi làng mang tên Mai, ở mạn đông nam thành là Bạch Mai, Hoàng Mai, Tương Mai, Mai Ðộng... , ở Tây bắc thành có một trạm khách tên Mai Dịch…, để thấy mai đã từng là loài hoa mùa xuân của thành Thăng Long cùng với hoa đào.

Nhưng rồi thời cuộc chuyển dời, chỉ còn tên làng, mai trở thành loài hoa hiếm, dần trở thành thú chơi tao nhã, tinh tế và cầu kỳ của những người thưởng hoa, chơi hoa ngày xuân. Theo các bậc cao niên ở làng hoa Nhật Tân, nơi còn lưu giữ nghề trồng Nhất Chi mai như truyền thống, thì xưa kia, những gia đình quyền quý thanh lịch ở Thăng Long thành, nếu không phải đào thất thốn, thì nhất định phải có chậu Nhất Chi mai trong nhà mới ra không khí ngày xuân, mới chứng tỏ phẩm cách sang quý thanh gia.

"Hàn mai xuân tín tảo"- cành mai mùa lạnh báo tin xuân sớm về. Nhất Chi mai, ngay từ tiết Lập xuân giá lạnh, khi những loài hoa khác còn chưa kết nụ, đã nở hoa, nên được xưng tụng là "Bách hoa khôi ". Nhất Chi mai trải qua những ngày đông buốt giá, kiên cường âm thầm ủ nhựa tích năng lượng sinh tồn trong thân cây mảnh mai, khi mưa xuân vừa rắc vài giọt, là bung lộc, đơm nụ và khí trời càng lạnh, hoa càng trổ nhiều bông, tỏa hương thơm, báo hiệu mùa xuân mới, an lành.

Nhất Chi mai - hoa “quân tử” Hà Nội phố xuân - ảnh 4

Thường các loài hoa khác héo tàn rồi rụng, nhưng Nhất Chi mai lúc lìa cành vẫn cống hiến sắc đẹp lạ thường với cánh hoa chuyển sang màu đỏ. Cũng bởi sức sống tiềm tàng, mãnh liệt cùng vẻ đẹp tinh khiết, mà Nhất Chi mai đã “đốn tim” bao khách yêu hoa. Tựa như bậc quân tử luôn giữ cốt cách thanh cao trước nghịch cảnh, nên từ xưa hoa đã được tôn là “cây quân tử”, "Thập tải luân giao cầu cố kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoạ" - Chu thần Cao Bá Quát. Hay là biểu tượng của  trung, hiếu, tiết, nghĩa và được dân gian phả vào truyện thơ Nôm khuyết danh “Nhị Độ Mai” nổi tiếng trong văn học cổ điển Việt Nam với 2826 câu lục bát.

Thành Thăng Long còn lưu truyền giai thoại từ gần 700 năm trước, một thiên tình sử đẹp nhất Việt Nam, khi Hồ Quý Ly được Vua Trần Minh Tông gả Huy Ninh công chúa (có tên là Nhất Chi Mai), nhờ nhớ một câu thơ ai đó vạch lên cát trên bãi biển: “Quảng Hàn cung lý Nhất Chi Mai”, và đã thành vế đối với câu thơ của Vua Trần Nghệ Tông: “Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế”… Và chắc những tao nhân mặc khách kinh thành xưa yêu Nhất Chi mai khó quên câu thơ không rõ của ai, chỉ 10 chữ: "Vị tình lai ký nhất chi mai hữu biệt hoài”, xếp lại thành một bài thơ tứ tuyệt: “Vị tình lai ký nhất chi mai/ Ký nhất chi mai hữu biệt hoài/ Hoài biệt hữu mai chi nhất ký/ Mai chi nhất ký vị tình lai."

Nhất Chi mai - hoa “quân tử” Hà Nội phố xuân - ảnh 5

Ngoài sân đình, ánh trăng rằm xanh bạc loáng ướt trong mờ sương, không khí càng buốt giá khi nghiêng về đêm, nhìn lại cây Nhất Chi mai, vẫn một dáng “huyền” đến nao lòng, như một cái lắc mình kỳ diệu, những búp nụ hồng lay động, khẽ khàng, từng bông hoa nở bung ra trắng như đốm sao trong mờ mờ tối, đẹp đến mê đắm, tôi chỉ dám thở nhẹ, sợ khoảnh khắc này sẽ tan biến…

Em Hà Nội, hơi thở ấm bên tôi, có chút mơ hồ bối rối, cảm giác em và cây hoa Nhất Chi mai là một, làm tôi si mê như trong một cơn mơ làm thần tiên chốn bồng lai. Em nói với tôi, Nhất Chi mai là loài hoa có linh khí, với ai có tình thì hoa mới phô diễn hết vẻ đẹp tao nhã và tỏa hương như một sự cống hiến…Và khi trở về phương Nam, trong tôi vẳng vẳng câu thơ cổ “Vị tình lai ký nhất chi mai hữu biệt hoài”- Vì tình gửi tới một cành mai tỏ nhớ nhung./.

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác