Những yêu thương trong đêm nhạc Le Chauffage (Sưởi ấm) - Hành trình sống

(VOV5) - Trần Lê Bảo Quyên và Trần Lê Quang Tiến sắp sửa đồ đạc để vài ngày nữa bay về Việt Nam thực hiện đêm nhạc Sưởi ấm (Le Chauffage). 

Kì nghỉ năm mới của hai chị em ở quê nhà kéo dài chừng 3 tuần.

Một tháng qua, chị Xuân Hà - mẹ của Quyên và Tiến - mê mải tất bật với lịch trình công việc của hai con. Mỗi lúc thảnh thơi hiếm hoi, chị lại hay thơ thẩn nhớ chuyện xưa, khi Quyên, Tiến còn bé. Chị nhớ cái ngày chị quyết định mang về nhà cây đàn piano đắt đỏ, ai cũng nói ra nói vào. Rằng chị tốn kém quá, cho các con chơi organ là đủ rồi. Chỉ duy nhất ông nội của bọn trẻ - Cố Thượng tướng Trần Văn Quang - thì rỉ tai nói nhỏ với con dâu: “Con cho ông góp với nhé". Câu nói của cụ khiến chị tự tin hẳn lên, vững tâm đi theo con đường không giống ai khi đó, với một mong muốn vừa giản dị vừa khác thường: Giúp cho hai con phát triển tối đa khả năng của mình để sống một cuộc đời thật đẹp.

Những yêu thương trong đêm nhạc Le Chauffage (Sưởi ấm) - Hành trình sống - ảnh 1Hai chị em Trần Lê bảo Quyên và Trần Lê Quang Tiến. - Ảnh: thethaovanhoa.vn

Quyên bộc lộ niềm đam mê và tham vọng mạnh mẽ với chiếc đàn của mình từ rất sớm. Nên con đường cô đi không rẽ ngang rẽ dọc, cứ cần mẫn miệt mài từ ngày này qua ngày khác, theo một tiến trình học hành bài bản. Hết bậc Trung cấp tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Quyên tiếp tục sang Đức tu nghiệp đại học, rồi nay là một trong số sinh viên Việt Nam hiếm hoi theo học cao học chuyên ngành biểu diễn tại Học viện Âm nhạc Frankfurt.

Quyên có vân tay thuộc chủng đại bàng. Mẹ cô bảo cô là con đại bàng chúa, nên dữ dội và cô đơn trên ngọn núi cuộc đời mình. Trên sân khấu, dễ dàng nhận ra diện mạo đại bàng chúa của Quyên. Chiếc cổ cao với bờ vai suôn mảnh mai kiêu hãnh, từng cử động của vai và tay đều run lên những ước vọng. Ngón đàn của Quyên vì thế lúc nào cũng thường trực một trạng thái níu - ghém lại những xúc cảm dữ dội đang trào dâng từ bên trong.

Tiến thì ngược lại, một bản lĩnh sân khấu mà như thầy của Tiến - nghệ sĩ Violon Bùi Công Duy - phải thốt lên: "Không phải xuất sắc mà là quá xuất sắc". Quyên sôi nổi bao nhiêu, Tiến trầm tĩnh bấy nhiêu. Quyên hoạt ngôn và ngây thơ, Tiến kiệm lời và sắc lẻm. Con đường mà hai chị em đi, giọng đàn của hai chị em trên sân khấu vì thế cũng khác biệt.

Giống chị, 4-5 tuổi Tiến đã tập đàn piano. Nhưng được một thời gian thì cậu bỏ, chuyển sang violin với suy nghĩ rất "ông cụ non": "Nhà có hai người chơi hai nhạc cụ khác nhau thì hay hơn". Được nửa năm, Tiến bỏ luôn cả violin để vẽ và múa. Đến tận 9 tuổi, sau khi đã thử nghiệm và nghiên cứu chán chê về chính bản thân mình, Tiến mới quyết định theo đuổi violin. Tuổi lên 9, bắt đầu học violin là quá muộn.

Nhưng Tiến chỉ mất có 2 năm tập trung học đàn để từ zero thành hero. Sau khi đoạt giải nhất cuộc thi violin quốc tế Mozart tại Thái Lan ở tuổi 12, Tiến lại giành giải nhất cuộc thi violin quốc tế lần thứ VI tổ chức ở Kazakhstan, giải đặc biệt dành cho người biểu diễn tác phẩm hiện đại hay nhất của cuộc thi Tchaikovsky lần thứ 10. Một thành tích khiến giới chuyên môn phải gọi cậu bé 14 tuổi là thần đồng.

Những yêu thương trong đêm nhạc Le Chauffage (Sưởi ấm) - Hành trình sống - ảnh 2 Hai nghệ sĩ trẻ

Nhắm mắt lại để nghe tiếng đàn của Tiến, sẽ không thể tin được người đang kéo vĩ cầm ấy mới 16 tuổi. Tiến dẫn dụ người nghe vào một thế giới thăm thẳm mênh mang, nửa thực tại nửa kì ảo bằng một sự điềm tĩnh lạ lùng. Tiến không vồ vập, không phóng túng, vẫn để những rung động bản thể nhảy nhót trên mỗi nốt nhạc réo rắt nhưng đầy lí trí để dừng lại bất kì đâu mà không cần phải rê phanh.

Hai chị em với hai gam màu nóng lạnh hòa trộn, hai cá tính đối thoại tung hứng đưa đẩy cho nhau, bao bọc nhau, rủ rê nhau vượt qua những giới hạn nội tại trong mỗi cuộc song tấu. Người chông chênh người vững chãi, người mong manh người mạnh mẽ, người bản năng người lí trí, người phá bĩnh người chừng mực... Nhưng cả hai con người ấy đều có chung một cái ổ rơm ấm áp, chung một suối nguồn, chung một mục đích.

Hai chị em tự lo cho nhau nơi xứ người, song vẫn duy trì những thói quen khi còn ở nhà với mẹ. Đó là nấu ăn. Cả Quyên và Tiến đều nấu ăn rất ngon. Quyên thích chế biến các món cầu kì, Tiến thích làm bánh. Cái tính tỉ mẩn này hai chị em bị ảnh hưởng bởi mẹ. Vì lớn lên bên mẹ, nên hai chị em theo mẹ cả trong gian bếp, gật gù thức đợi mẹ nấu cỗ đêm giao thừa, ăn những món mẹ nấu mà thấm mà ngấm những tinh tế của ẩm thực.

Những ngày thức dậy từ 3, 4 giờ sáng để tập đàn, những đêm tập ở trường tới 11, 12 giờ khuya mới trở về nhà, lạnh lẽo và cô đơn. Nhưng chỉ cần bật bếp lên, hai chị em lại có thể ríu rít nói cười với nhau. Gian bếp là nơi họ sưởi ấm cho nhau trong hành trình đam mê và khổ luyện với âm nhạc.

Quyên đã xa nhà hơn 5 năm, mới được ở gần em Tiến chưa tròn 3 tháng. Trước đó, cô lúc nào cũng khiến mẹ Xuân Hà "đứng đống lửa ngồi đống than" vì tính cách đại bàng chúa của mình. Quyên hay tự đốt cháy mình đến tổn thương và không tránh được những giây phút trách móc số phận. Cho đến một đêm gần đây, Quyên được mẹ gửi cho một bài báo về Hạnh An - cô gái 18 tuổi xinh đẹp và hoàn hảo bị mắc ung thư máu hiếm gặp. Hôm sau, Quyên nhắn tin cho mẹ: "Con nhận ra lâu nay mình quá tham lam".

Trùng hợp là Hạnh An học cùng trường cấp 3 với Quang Tiến. Và thế là đêm nhạc Sưởi ấm ra đời, trong một quyết định chóng vánh và tự tin.

Với Quyên và Tiến, đây không phải đêm nhạc từ thiện. Nhưng ngay từ khi có thể dùng tiếng đàn của mình kiếm ra tiền, hai chị em đã luôn luôn nghĩ rằng, mỗi đêm nhạc mình làm phải đem đến một điều gì đó, phải sưởi ấm cho trái tim một ai đó. Chỉ một thôi cũng được. Và lần này, hai chị em may mắn có Hạnh An cùng chuyện trò và đốt lửa. Hạnh An đã giúp Quyên nhận ra những thiếu sót của bản thân, giúp Quyên thoát khỏi nỗi cô đơn thường trực trên ngọn núi đại bàng của mình. Ngược lại, Quyên muốn thắp một que diêm cho Hạnh An trong năm mới, đốt lên ánh sáng của tình yêu cuộc sống và niềm tin cháy bỏng, rằng cuộc đời mỗi con người được ghi dấu vì sống đẹp chứ không phải vì sống bao lâu.

Thật may mắn hơn nữa, nguyện ước của Quyên và Tiến đã nhận được sự ủng hộ của gia đình Hạnh An và tập thể thầy và trò trường Quốc tế Anh - Việt Hà Nội BVIS, sự cộng hưởng từ quỹ Ấm - một quỹ thiện nguyện của các bạn trẻ đang tuổi học trò đang thực hiện nhiều hoạt động gây quỹ tích cực để giúp đỡ cho những bệnh nhân chạy thận tại Bạch Mai.

Le Chauffage - Sưởi ấm có mặt tại Hà Nội vào ngày 5/1 tới đây vì những điều rất nhỏ bé và bình thường như vậy.

Giống như Quyên, Tiến dù có được mọi người tung hô là xuất sắc hay thần đồng, thì hai chị em cũng đều biết rõ bản thân là ai. Rằng thực sự họ như mọi đứa trẻ nhỏ bé và bình thường khác, đạt được thành quả là nhờ sự khổ luyện. Nếu có điều gì đó khác biệt, thì hẳn là vì họ được lớn lên trong yêu thương lúc nào cũng đong đầy.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác