Đồng bào các dân tộc ở Đắk Lắk thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp

(VOV5) -  Việc giúp bà con thay đổi tập quán canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng đối với công tác giảm nghèo.

Đắk Lắk là địa phương có diện tích đất nông nghiệp rộng, trù phú. Với lợi thế này, những năm gần đây, bà con các dân tộc ở tỉnh tích cực chuyển giao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
 Gia đình ông Y Đrin Niê ở buôn Kô Tam, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, 5 năm trước đã thực hiện tái canh vườn cà phê và lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, năng suất vườn cây đã tăng lên, thu nhập cũng cao hơn. Nhờ đó, gia đình đã xây được căn nhà khang trang, mua sắm phương tiện và các vật dụng phục vụ sinh hoạt, các con của ông được ăn học đầy đủ.
Ông Y Đrin phấn khởi nói: "Năm 2018, nhà tôi lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt. Nó có lợi thế là tiết kiệm được nhân công, điện, phân bón và làm tăng năng suất. Lắp hệ thống này rất thuận tiện, mình có thể vừa tưới vừa đi làm việc khác. Có hệ thống tưới nhỏ giọt thì cây cà phê ra hoa đều, trái đậu nhiều và to, thường trước đây chỉ dưới 4 tấn, nhưng hiện nay tăng được 4 tấn rưỡi.
Đồng bào các dân tộc ở Đắk Lắk thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp - ảnh 1Nhờ chuyển đổi áp dụng khoa học vào sản xuất, nhiều hộ dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Gia đình bà H’Moan Êban ở buôn Krông B, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, có khu rẫy rộng 1,5 ha trồng cà phê xen với hồ tiêu. Trước đây, gia đình bà canh tác theo lối cũ nên hiệu quả không cao, cây trồng kém năng suất. Đầu năm 2015, bà đăng ký tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, bơ của Hội nông dân xã Ea Tu…

Ngay khi kết thúc khóa tập huấn, bà bàn với chồng vay vốn ngân hàng thực hiện tái canh vườn cà phê bằng phương pháp ghép sử dụng giống mới; nhổ bỏ nhiều diện tích hồ tiêu kém hiệu quả trồng thay thế bằng 80 cây sầu riêng giống Dona. Đồng thời, áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến như hệ thống tưới Sponsored, sử dụng phân chuồng và chế phẩm sinh học chăm sóc vườn cây…

Đồng bào các dân tộc ở Đắk Lắk thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp - ảnh 2Vườn cà phê áp dụng tưới nhỏ giọt giúp ông Y Đrin có thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.

Bà H’Moan cho biết đến nay, cả cà phê, hồ tiêu, sầu riêng đều phát triển tốt, cho năng suất ổn định: "Năm nay, riêng cà phê, gia đình chúng tôi thu hoạch được tầm 2 - 2,5 tấn, cũng được 80 triệu đồng (hơn 3.000 USD). Tiêu thì cũng thu được hơn 1 tấn, được hơn 70 triệu đồng (3.000 USD). Về sầu riêng, đợt rồi thu được 6 tấn, bán đợt đầu giá từ 48 – 50 triệu đồng/tấn cũng có, tổng thu cũng khoảng 300 triệu đồng (hơn 13.000 USD).

Ea Tu là xã vùng ven thuần nông của Thành phố Buôn Ma Thuột, với khoảng 2/3 dân số là người dân tộc thiểu số. Theo ông Nguyễn Quang An, Chủ tịch Hội nông dân xã, hằng năm, xã đều phối hợp với các cấp ngành mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, từng bước thay đổi tập quán canh tác giúp bà con nâng cao hiệu quả sản xuất: "Hiện nay, xã Ea Tu cũng đang triển khai nhiều mô hình cà phê 4C đi đôi với vấn đề bảo vệ môi trường. Hội nông dân cũng triển khai áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm nhỏ giọt, tưới phun mưa xoay 360 độ. Bên cạnh đó, tuyên truyền triển khai đến hội viên sử dụng phân bón hữu cơ do bà con tự ủ từ vỏ cà phê, bã phụ phẩm để tái đầu tư cho các lô rẫy."

Toàn tỉnh Đắk Lắk có gần 36% dân số là người dân tộc thiểu số. Việc giúp bà con thay đổi tập quán canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng đối với công tác giảm nghèo cũng như tiến tới xây dựng nền sản xuất hàng hóa.

Bà Huỳnh Thị Thu Phượng, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh Đắk Lắk, cho biết những năm qua, nông dân đã tích cực học hỏi ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần đưa nguồn thu từ nông nghiệp chiếm trên 65% tỷ trọng nền kinh tế tỉnh. Thời gian tới, trung tâm sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, hỗ trợ người dân chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất: "Chúng tôi triển khai bằng nhiều hình thức, như: trên trang thông tin điện tử, phát các tờ rơi hay kết hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền đến người dân. Đặc biệt, chú trọng việc đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông cấp huyện, xã, vì chính anh em ở địa phương là người chuyển giao khoa học công nghệ cho bà con nông dân. Đào tạo trực tiếp cho tổ chức nông dân, hợp tác xã và bà con nông dân trên địa bàn tỉnh. Khuyến nông là người cầm tay chỉ việc, nên việc tập huấn, đào tạo cho bà con nông dân là việc làm thiết thực để bà con thay đổi được nhận thức."

Giúp bà con dân tộc thiểu số áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, Đắk Lắk đang dần thực hiện thành công công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác