Nổi buồn chiến tranh: "Tầm cao của văn học chiến tranh phương Đông" ra mắt tại Trung Quốc

(VOV5) - Tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” vừa phát hành tại Trung Quốc được ca ngợi là tầm cao của văn học chiến tranh phương Đông.

Văn học Trung Quốc rất phổ cập tại Việt Nam, nhưng còn ở Trung Quốc văn học Việt có vị trí ra sao? Đó chính là điều mà nhiều nhà văn Việt Nam và những người Trung Quốc yêu mến Việt Nam luôn trăn trở. Với việc tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh" vừa được phát hành tại Trung Quốc, người ta thấy đã lâu lắm rồi mới lại có tiểu thuyết của nhà văn Việt Nam được xuất bản tại quốc gia láng giềng rộng lớn này.

Phó Giáo sư Hạ Lộ, người đã có hơn 20 năm giảng dạy và nghiên cứu văn học Việt tại khoa Đông Nam Á của Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), đã hoàn thành bản dịch “Nỗi buồn chiến tranh” từ năm 2012. Ngay sau đó, tác phẩm được trích đăng trên một số tạp chí của Trung Quốc và nhận được nhiều lời tán dương, khen ngợi của các nhà thơ, nhà văn Trung Quốc.

Nổi buồn chiến tranh:  Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh bản tiếng Trung ra mắt tại sác nhà sách Trung Quốc

Nhà văn Diêm Liên Khoa - một trong những tác gia nổi tiếng và quan trọng nhất của văn học Trung Quốc đương đại khi nhận xét về “Nỗi buồn chiến tranh” qua bản dịch của Hạ Lộ đã ca ngợi, đây là “tầm cao của văn học chiến tranh phương Đông”. Bậc thầy của chủ nghĩa siêu hiện thực

Diêm Liên Khoa viết: “Thầm nghĩ, nếu không có những người như Hạ Lộ kiên trì gian khổ dịch thuật, nhận thức về văn học Việt Nam của chúng ta hôm nay vẫn còn dừng lại ở những ký ức đông cứng và cũ kỹ của mấy mươi năm trước, vẫn tưởng rằng trên thế gian này, ngoài mấy cây bút lông và cả rừng bút sắt của hai nền phú hộ là Trung Quốc và phương Tây kia ra, thế giới không còn bút nghiên giấy mực gì nữa”.

Đây cũng là nhận xét của ông Vương Viễn Triết, đại diện của Công ty CS-Booky, công ty phát hành sách tư nhân hàng đầu Trung Quốc, nơi đã đứng ra phát hành "Nỗi buồn chiến tranh".

Ông chia sẻ: "Với tôi, tác phẩm của nhà văn Bảo Ninh mặc dù tôi không dám nói là hay nhất trong nền văn học thế giới, nhưng cũng là hàng đầu trong các tác phẩm văn học chiến tranh. Để tôi nhớ lại xem, hình như khi đi học đại học, về Văn học thế giới, phần nhắc đến văn học Việt Nam ít lắm, tôi gần như chả có ấn tượng gì. Nhưng với tác phẩm này thì khác, chất lượng rất tốt, tôi đã có cái nhìn khác hẳn. Đọc xong, tôi lại trông đợi nhiều hơn. Từ góc độ xuất bản, nếu sau này có những tác phẩm dịch tốt nữa, chúng tôi chắc chắn sẽ xem xét. Như cuốn sách này, ban đầu chúng tôi chỉ định làm thử xem sao, nhưng nay in xong rồi, chúng tôi rất tự tin, nên đã đưa vào sách loại A, tức là sách trọng điểm để thúc đẩy marketing."

Nổi buồn chiến tranh:  Đại diện Công ty CS-Booky trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.

Sau khi đọc bản thảo, nhà văn Diêm Liên Khoa đã đưa cuốn sách vào một trong những danh tác nước ngoài bắt buộc phải đọc của Lớp sáng tác Đại học Nhân dân Trung Quốc, nơi ông làm Chủ nhiệm Trung tâm sáng tác. Còn PGS Hạ Lộ đã tuyển lựa một phần tác phẩm đưa vào bài giảng cho các em sinh viên từ năm 2009. Sau khi hoàn thành bản thảo, đến năm 2015, chị đã giảng dạy trọn vẹn tác phẩm trong chương trình dành cho nghiên cứu sinh của mình.

Từ lâu, khi biết đứa con tinh thần của mình được dịch sang tiếng Trung Quốc, nhà văn Bảo Ninh đã vô cùng phấn khởi: “Lúc biết học giả Hạ Lộ dịch cuốn ‘Nỗi buồn chiến tranh’ sang tiếng Trung Quốc và sẽ xuất bản, tôi rất phấn chấn. Cuốn này đã dịch sang tiếng Anh và nhiều thứ tiếng, nhưng được dịch sang thứ tiếng của một nền văn hóa lớn và gần với Việt Nam như Trung Quốc thì lại chưa. So với các thứ tiếng khác, dịch sang tiếng Trung Quốc thể hiện sự khác về chất, do đó tôi thấy rất phấn khởi, hơn nữa là tự hào. Sau nhiều năm bị ngắt quãng vì nhiều lý do, nay tác phẩm văn học Việt Nam đã được giới thiệu sang Trung Quốc. Trong khi đó, tác phẩm Trung Quốc vẫn được giới thiệu khá nhiều ở Việt Nam. Vì hai dân tộc quá gần nhau, nên chúng tôi mong mỏi các tác phẩm văn học Việt Nam sẽ được giới thiệu nhiều sang Trung Quốc."

 Dù vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, dù có lúc từng thốt lên về công việc mà chị đang làm "chả ai muốn làm" trong thời buổi kinh tế thị trường, nhưng tình yêu của Hạ Lộ dành cho tiếng Việt và văn học Việt chưa bao giờ thay đổi. Chị chia sẻ:  "Nếu phải chọn lại lần nữa, tôi vẫn sẽ chọn nghiên cứu ngôn ngữ và văn học Việt Nam. Bởi tiếng Việt và văn học Việt đã mở cho tôi một cánh cửa đặc biệt ra thế giới, qua cánh cửa ấy, tôi hiểu Việt Nam, đồng thời cũng hiểu hơn ngôn ngữ và văn học Trung Quốc, hiểu hơn quan hệ Trung - Việt và quan hệ giữa Trung Quốc với thế giới. Những năm qua, thông qua ngôn ngữ, văn học Việt, tôi kết giao với rất nhiều các bạn Việt Nam và nhiều học giả nghiên cứu Việt Nam trên thế giới. Những việc tôi làm còn rất hữu hạn, nhưng những gì tôi nhận lại lại rất nhiều, tôi vẫn thường nói với các bạn của mình, tôi cảm ơn Việt Nam, cảm ơn tiếng Việt và văn học Việt, cho dù đi đến bất cứ nơi đâu trên thế giới, tôi vẫn sẽ không ngừng quan tâm đến văn học Việt."

Ở Việt Nam, có người gọi Hạ Lộ là “bà đỡ” cho văn học Việt ở Trung Quốc. Không chỉ dịch "Nỗi buồn chiến tranh", do đã dành toàn bộ thời gian và tâm huyết cho tiếng Việt và văn học Việt, nên dù công việc chính là giảng dạy và nghiên cứu, giờ đây chị vẫn có trong tay một tài sản khá đồ sộ về các tác phẩm dịch và công trình nghiên cứu về văn học Việt cả cổ đại và đương đại. Riêng truyện ngắn và truyện vừa đã được đăng tải là hơn 10 tác phẩm của các nhà văn, như: Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư, Y Ban, Nguyễn Nhật Ánh…. Mong muốn lớn nhất hiện tại của chị là cho ra đời “Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam đương đại”.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác