Một trong những điểm sáng thực hiện thành công trước thời hạn các Mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ

(VOV5) - Trách nhiệm của Việt Nam là cùng với các nước thành viên bàn thảo và đưa ra những kế hoạch và hoạch định để tất cả các nước thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khi trả lời phỏng vấn báo chí trong nước nhân dịp Việt Nam được bầu làm thành viên của Hội đồng Kinh tế Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC).

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ Việt Nam vừa được Liên hợp quốc bầu làm thành viên của Hội đồng Kinh tế Xã hội nhiệm kỳ 2016-2018 với số phiếu cao nhất trong số các nước Châu Á.

Điều này thể hiện sự đánh giá của cộng đồng quốc tế đối với vai trò vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và đặc biệt là những đóng góp của Việt Nam trong các lĩnh vực về phát triển kinh tế xã hội, phát triển đất nước, từ đó đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của Liên hợp quốc: “Đây cũng là đánh giá cao Việt Nam trong việc vừa qua đã thực hiện thành công các Mục tiêu thiên niên kỷ. Việt Nam được bầu như vậy thể hiện rõ vai trò vị thế của Việt Nam và mong đợi của các nước Liên hợp quốc về việc Việt Nam sẽ có những đóng góp tích cực vào các hoạt động về kinh tế, hoạch định các chính sách về kinh tế xã hội của Liên hợp quốc”.

Một trong những điểm sáng thực hiện thành công trước thời hạn các Mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ - ảnh 1
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn về việc Việt Nam được bầu làm thành viên của Hội đồng Kinh tế Xã hội của Liên Hợp Quốc (Ảnh: VGP/Hải Minh)

Với tư cách là một trong số 54 thành viên của Hội đồng kinh tế xã hội, trách nhiệm của Việt Nam là cùng với các nước thành viên bàn thảo và đưa ra những kế hoạch và hoạch định để tất cả các nước thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Đối với Việt Nam, ngay sau khi Đoàn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự phiên họp đặc biệt kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hợp quốc cũng như thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và thông qua chương trình nghị sự đến năm 2030 phát triển bền vững, phải biến những mục tiêu đó vào các chiến lược và kế hoạch của quốc gia để thực hiện. Trong thời gian tới, không chỉ Việt Nam mà còn tất cả các nước phải thực hiện”.

Việc Việt Nam được bầu vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc cho thấy vị thế, uy tín quốc tế ngày càng tăng của Việt Nam. Trong con mắt của bạn bè quốc tế, Việt Nam ngày càng được nhìn nhận là một đất nước đang phát triển năng động, tích cực hội nhập quốc tế, đóng góp tích cực, xây dựng và có trách nhiệm vào việc bảo vệ những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và giải quyết các thách thức chung của cộng đồng quốc tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác