Chính phủ thống nhất các biện pháp chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội từ nay đến cuối năm

(VOV5)- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 nhằm tập trung đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 9 và 9 tháng qua.


Chính phủ thống nhất các biện pháp chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội từ nay đến cuối năm - ảnh 1
Toàn cảnh phiên họp


Trong hai ngày 30/9 và 1/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 9 và 9 tháng qua, thống nhất các biện pháp chỉ đạo điều hành nền kinh tế với tinh thần quyết tâm đạt cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong cả năm nay. Thảo luận tại phiên họp, các thành viên nhất trí với đánh giá, từ đầu năm đến nay, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi rõ nét và đạt kết quả cao hơn cùng kỳ năm trước. Rõ nhất GDP 9 tháng qua đã chạm mốc 6,5%, cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Như vậy cả năm nay tăng trưởng sẽ vào khoảng 6,5% là khả thi nếu tiếp tục kiên trì, quyết liệt và đồng bộ các biện pháp mà Chính phủ đã đề ra. Niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh cũng được cải thiện rõ nét với hơn 68.300 doanh nghiệp thành lập mới và tổng số vốn đăng ký gần 430.000 tỷ đồng. Trên cơ sở đà phục hồi kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối của kế hoạch 5 năm, các thành viên Chính phủ  đóng góp nhiều ý kiến xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020, trong đó phấn đấu tăng trưởng kinh tế bình quân từ 6,5-7%/năm, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ trong GDP đạt trên 85%, thu nhập bình quân đầu người khoảng từ 3.680 USD. Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Tập trung quyết liệt phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống của nông dân, góp phần tăng trưởng và rà soát tìm hết cách để cạnh tranh phát triển du lịch. Các bộ trưởng chỉ đạo quyết liệt tái cơ cấu danh nghiệp nhà nước, giải quyết nợ xấu gắn với tái cơ cấu ngân hàng, đẩy mạnh cải cách hành chính, dứt khoát nâng cao năng lực cạnh tranh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tôi đề nghị bộ Tài chính trong vấn đề cải cách thuế, hải quan, bảo hiểm phải đạt ngang bằng với ASEAN-4. 


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ các tiêu chí giảm nghèo mới và số xã đạt chuẩn nông thôn mới phải phù hợp với thực tế và có tính toán tới nguồn lực khả thi để thực hiện. Thủ tướng đồng tình với đề xuất trình Quốc hội xem xét chủ trương đa dạng thời gian phát hành trái phiếu Chính phủ ra nước ngoài, đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường quốc tế. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác