Xây dựng và hoàn thiện pháp luật giúp phát triển kinh tế xã hội

 (VOV5) -  Nghị quyết số 48 ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị là văn kiện chính trị quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam định hướng cho sự phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


Sáng nay, 9/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48 Trung ương tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo "Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020". Nghị quyết số 48 ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị là văn kiện chính trị quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam định hướng cho sự phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nghị quyết đã xác định cụ thể những quan điểm chỉ đạo, đề ra các định hướng lớn và những giải pháp cơ bản cho hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Xây dựng và hoàn thiện pháp luật giúp phát triển kinh tế xã hội - ảnh 1
Hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TƯ. Ảnh: baophapluat.vn

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 48, công tác xây dựng và thi hành pháp luật đã đạt được những kết quả quan trọng, hệ thống pháp luật đã cơ bản được hoàn thiện cả về nội dung, hình thức, số lượng và chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, điều chỉnh phần lớn các quan hệ cơ bản của đời sống xã hội. Thông qua việc thực hiện Nghị quyết, nhiều chủ trương lớn đã được triển khai trên thực tế và có tác dụng tích cực trên nhiều lĩnh vực, mang lại chuyển biến sâu sắc trong phát triển kinh tế xã hội, đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: “Với bản Hiến pháp năm 2013, các đạo luật được ban hành trong 10 năm qua đặc biệt trong năm 2014, 2015 được sửa đổi bổ sung đã bao quát khá đầy đủ trong đời sống xã hội chất lượng từng bước được nâng lên quy trình xây dựng văn bản pháp luật được đổi mới từng bước theo hướng dân chủ sự tham gia thực chất hơn của cá nhân, tổ chức doanh nghiệp chịu sự tác động của việc điều chỉnh các văn bản quy phạm  pháp luật”.

Thảo luận tại hội nghị, nhiều đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục bổ sung điều chỉnh một số nội dung về mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với Cương lĩnh chính trị (bổ sung phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác