Lịch sử hào hùng Hai Bà Trưng được tái hiện bằng công nghệ 3D Mapping

(VOV5) - Buổi lễ giúp ôn lại cuộc đấu tranh bất khuất của Hai Bà Trưng cùng hào kiệt bốn phương đánh đuổi quân Đông Hán, mang lại độc lập cho đất nước vào năm 40 sau Công nguyên.

Tối qua (15/02, tức mùng 6 tháng Giêng), Lễ kỷ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc Lễ hội đền Hai Bà Trưng Xuân Giáp Thìn 2024 đã diễn ra tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, Hà Nội). Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tới dự.

Lịch sử hào hùng Hai Bà Trưng được tái hiện bằng công nghệ 3D Mapping  - ảnh 1Chương trình nghệ thuật trình diễn âm thanh, ánh sáng đặc sắc với chủ đề “Âm vang Mê Linh”. Ảnh: TTXVN

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, Hoàng Anh Tuấn đã ôn lại cuộc đấu tranh bất khuất của Hai Bà Trưng cùng hào kiệt bốn phương đánh đuổi quân Đông Hán, mang lại độc lập cho đất nước vào năm 40 sau Công nguyên, trên mảnh đất Mê Linh lịch sử. Ông Hoàng Anh Tuấn khẳng định khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã ghi mốc son chói lọi đầu tiên trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam khi giành lại giang sơn, chấm dứt chế độ đô hộ hà khắc của nhà Đông Hán. Ngay sau khi khởi nghĩa thắng lợi, Hai Bà xưng Vương, lập kinh đô, tiến hành củng cố xây dựng lại đất nước. Hai Bà Trưng trở thành vị Vua nữ đầu tiên của dân tộc, nữ Vương đầu tiên trên thế giới. 

Hằng năm, vào mùng 6 tháng Giêng, ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa, Lễ hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức để tỏ lòng tri ân, tôn kính đối với Hai Bà Trưng.

Tại buổi lễ đã diễn ra Chương trình nghệ thuật trình diễn âm thanh, ánh sáng đặc sắc theo công nghệ hiện đại “Âm vang Mê Linh”. Đây là một chương trình nghệ thuật bán thực cảnh, kết hợp công nghệ 3D Mapping LED matrix, kể lại câu chuyện lịch sử theo một cách thức hiện đại, mới mẻ, với các chương hồi, cảnh diễn nối tiếp, được biến chuyển tinh tế bằng kỹ xảo ánh sáng, âm nhạc hấp dẫn và đa dạng hình thức thể hiện như: Ca hát, xiếc, múa, đồng diễn trống…

Trước đó, sáng 15/02, các hoạt động rước kiệu từ đình Hạ Lôi về đền Hai Bà Trưng, tế lễ theo nghi thức truyền thống địa phương tại Lễ hội đền Hai Bà Trưng đã diễn ra. Phần hội gồm các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống, thi đấu thể thao được tổ chức phục vụ nhân dân và du khách… Lễ hội diễn ra đến hết ngày 17/02 (tức mùng 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác