Tưng bừng Lễ hội Xuân khắp mọi miền đất nước

(VOV5) - Tại Hà Nam, 200 đô vật đến từ 6 huyện, thị xã, thành phố tham dự Giải Vật mùa Xuân thượng võ lần thứ 27.

Những hoạt động lễ hội vui Xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra tưng bừng tại khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Tưng bừng Lễ hội Xuân khắp mọi miền đất nước - ảnh 1Những túi lương được phát cho người dân và du khách dự lễ. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN

Tối qua (17/2 - mùng 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn), UBND huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) khai mạc Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương. Đây là hoạt động truyền thống cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà mạnh khỏe, sung túc và bình yên.
Đồng thời nhắc nhở các thế hệ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công đức của Đức Thánh Nhân Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người đã có công chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước. Điểm nhấn của Lễ hội là nghi thức phát lương Đức Thánh Trần, sẽ bắt đầu từ 21 giờ ngày 14 đến rạng sáng ngày Rằm tháng Giêng (23-24/2).

Tưng bừng Lễ hội Xuân khắp mọi miền đất nước - ảnh 2Trình diễn chiêng Mường trong Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường Hòa Bình năm 2024. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Hôm qua (17/2 - mùng 8 Tết Giáp Thìn), Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường năm 2024, diễn ra tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Đây là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất, đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng không thể thiếu trong dịp Tết đến Xuân về của người Mường. Diễn ra trong 3 ngày (17-19/2), Lễ hội có nhiều hoạt động, như: lễ cúng thổ công, thổ địa, nghi lễ thờ cúng Thành Hoàng và rước kiệu Quốc Mẫu Hoàng Bà cùng chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng lễ khai mạc với màn trình tấu chiêng Mường của 500 nghệ nhân. 

Ngoài ra, phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động đặc sắc, như: Thi trình diễn trang phục dân tộc Mường; trưng bày trại văn hóa, ẩm thực. Năm 2022, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Lễ hội mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tại tỉnh Hà Nam, hôm qua (17/2 - mùng 8 Tết), 200 đô vật đến từ 6 huyện, thị xã, thành phố tham dự Giải Vật mùa Xuân thượng võ lần thứ 27. Giải vật hằng năm diễn ra vào đầu Xuân là nét đẹp văn hóa của quê hương nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ của dân tộc.

Cũng trong hôm qua, hàng nghìn người dân cổ vũ đua ghe sôi động ở Khánh Hòa. Lễ hội gồm hai phần thi chính: Hội thi thuyền hoa và đua ghe. Đây là hoạt động văn hóa truyền thống giúp duy trì, phát huy nét đẹp của nền văn minh lúa nước.

Từ ngày 17 - 20/2 (mùng 8 đến 11 tháng Giêng), tại Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum diễn ra chương trình “Trải nghiệm văn hóa truyền thống Xuân Giáp Thìn 2024”. Chương trình nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa, nghề thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum; đồng thời, tạo điều kiện cho nghệ nhân các dân tộc thiểu số được trình diễn, giao lưu và có cơ hội đưa văn hóa truyền thống đến gần với công chúng.

Ngày hôm qua (17/2 - mùng 8 Tết), thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) đã tổ chức khai hội Xuân Giáp Thìn năm 2024 tại Đền Cao An Phụ (phường An Sinh). Đền nằm trong quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương được Thủ tướng Chính Phủ công nhận năm 2016. Năm 2017, quần thể này được công nhận là Bảo vật Quốc gia. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác