Không gian văn hoá xung quanh bếp lửa của đồng bào dân tộc ít người

(VOV5)- Đối với đồng bào các dân tộc ít người ở Việt Nam, bếp trong mỗi gia đình có vị trí quan trọng. Bếp lửa không chỉ dùng để nấu ăn, mà xung quanh không gian bếp còn chứa đựng nhiều nét sinh hoạt văn hoá, những phong tục tập quán, tín ngưỡng độc đáo, thể hiện nhiệt huyết của người dân vùng cao. Khách đến nhà chơi, chủ nhà nhóm lửa là tỏ lòng hiếu khách.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Không gian văn hoá xung quanh bếp lửa của đồng bào dân tộc ít người - ảnh 1
Quây quần bên bếp lửa hồng - Ảnh: Báo Đắc Lắc



Bếp lửa trong mỗi gia đình đồng bào dân tộc chiếm một vị trí rất quan trọng trong tập tục sinh hoạt, đời sống tâm linh.  Đồng bào các dân tộc vùng cao thường cho rằng: mọi vật đều có linh hồn, có thần lửa, thần bếp. Mỗi bếp lửa có thể đặt ở những vị trí khác nhau, nhưng đều có những quy định, những điều kiêng kỵ hết sức nghiêm ngặt. Đối với đồng báo dân tộc Mông miền núi phía Bắc, bếp lửa chính là hiện thân của vị thần đem lại sự hồi sinh, bảo vệ cuộc sống gia đình. Ông Vi Văn An, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian của Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, cho biết: “Trong bất kỳ gia đình người Mông trước đây cũng như hiện nay thì việc xây bếp lò rất được coi trọng. Sau khi người Mông xây xong nhà phải mời người có kinh nghiệm đến đắp lò và sau đó đặt cái chảo lên. Người Mông rất kiêng cho người khác mượn chảo, khi cho mượn phải đặt hòn đá vào giữa lòng bếp.”   


Trong mỗi gia đình người Mông đều có 2 bếp: bếp lửa to và bếp lò nhỏ. Bếp lửa to thường ở gian chính. Đây là nơi giữ lửa sưởi ấm và nấu thức ăn hàng ngày. Đây được coi là không gian linh thiêng nhất, là nơi thờ các vị thần, thờ cúng tổ tiên. Người lạ vào gian bếp này phải được phép của chủ nhà. Bếp lò nhỏ gồm 2  bếp trên cùng một khu phía sau gian giữa. Trong đó bếp lò nhỏ dùng để nấu mèn mén (món ăn đặc trưng của người Mông), còn bếp lò to dùng để nấu cám lợn và nấu rượu phục vụ cho gia đình. Ở khu bếp này cũng có những kiêng kỵ nhất định. Người ta không được ngồi, dẫm chân vào chỗ đun bếp, không lấy que gõ...  vào bếp vì cho rằng làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến chăn nuôi, gia súc, gia cầm dễ bị ốm đau, chậm lớn.  


Đối với mỗi gia đình dân tộc Khơ Mú ở Nghệ An, những chiếc bếp lửa trong nhà sàn cũng là hiện thân của Thần Lửa, biểu trưng cho sự sống và hồi sinh. Nhà của người Khơ Mú, dù to nhỏ thế nào cũng phải có 3 cái bếp. Chiếc bếp ở gian đầu tiên được sử dụng phục vụ cho nhu cầu ăn uống hằng ngày gọi là “Tầm brạ khua mạ”. Bếp “Tầm brạ khua mạ” không đơn thuần chỉ là nơi để nấu nướng, sưởi ấm, mà còn là nơi đón tiếp khách đến chơi. Chiếc bếp thứ 2 ở gian giữa, trung tâm của ngôi nhà. Chiếc bếp này được đặt dưới chân cột giữa nhà còn gọi là bếp thờ, là nơi thờ tổ tiên của người Khơ Mú. Chiếc bếp thứ 3 nằm ở gian cuối cùng trong không gian nhà sàn chỉ dùng để nấu xôi. Trong 3 gian bếp đó, gian bếp thờ là quan trọng nhất, mang nhiều ý nghĩa tâm linh trong sinh hoạt văn hoá truyền thống của người Khơ Mú. Mọi việc trọng đại trong năm của gia đình đều được tổ chức tại gian bếp thờ này. Ông Vi Văn An, nhà nghiên cứu và sư tâm văn hoá dân gian, cho biết: “Nét độc đáo trong tín ngưỡng liên quan tới bếp của Khơ Mú, nếu đã cúng cho tổ tiên, cho dòng họ thì phải làm một cái bếp riêng, không được dùng chung. Vì với họ tổ tiên là đấng cao siêu, trong sạch. Bởi vậy khi làm nhà người ta cúng gia tiên dòng họ thường mổ trâu  hay bò thì cái bếp này được sử dụng tối đa, mà không sử dụng các bếp khác.”  


Trong đời sống tâm linh và sinh hoạt của đồng bào các dân tộc ở khu vực Tây Nguyên như: Êđê, Bana, M’nông... lửa và bếp lửa cũng luôn đóng vai trò quan trọng. Thần Lửa có mặt trong mọi lễ hội của mọi gia đình như lễ mừng thọ, đón mừng năm mới, cúng lúa mới...Trong những ngày lễ hội, lửa nổi lên, trong tiếng cồng, chiêng, mọi người cùng nhảy múa xung quanh ánh lửa bập bùng. Bên bếp lửa ở nhà rông, già làng hát kể sử thi, người trẻ học những câu chuyện cuộc đời.


Đối với người Hà Nhì, dân tộc ở miền núi cao phía Bắc ngày nay vẫn giữ tục thờ thần bếp. Ở bếp lửa gian chính, người Hà Nhì thường đặt một hòn đá thiêng, coi đây là hiện thân của vị thần bếp trông coi sự ấm êm đời sống cả gia đình. Bếp không chỉ là nơi nấu chín thức ăn, mà còn thể hiện đức hạnh của người phụ nữ. Mỗi sáng, việc đầu tiên của phụ nữ Hà Nhì là nhóm lửa đun nước. Hành động nhóm lửa này mang ý nghĩa chứng tỏ sự chăm sóc cho gia đình. Trong những ngày đầu năm mới, ngày lễ Tết việc thắp lửa cũng thể hiện sự biết ơn vị thần bếp, sự tri ân đối với tổ tiên.


Không chỉ góp mặt trong ngôi nhà sàn, không gian bếp lửa còn là nơi đồng bào trao truyền cho các thế hệ trẻ những giá trị văn hoá riêng của dân tộc mình.

Phản hồi

Các tin/bài khác