Quần thể di tích Cố đô Huế- di sản văn hóa thế giới

(VOV5) - Với những giá trị mang tính toàn cầu của mình, quần thể di tích Cố đô Huế trở thành di sản văn hoá đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản thế giới năm 1993. 

Quần thể di tích Cố đô Huế nằm dọc hai bên bờ sông Hương thuộc thành phố Huế và một vài vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của tỉnh, là cố đô của Việt Nam dưới triều nhà Nguyễn, từ 1802 đến 1945. Với những giá trị mang tính toàn cầu của mình, quần thể di tích Cố đô Huế trở thành di sản văn hoá đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản thế giới năm 1993.  

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Năm 1306, sau cuộc hôn phối giữa công chúa Huyền Trân (Nhà Trần) với vua Chàm là Chế Mân, vùng đất Châu Ô, Châu Lý (gồm Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một phần phía bắc Quảng Nam ngày nay) được lấy tên là Thuận Hoá. Vào nửa cuối thế kỷ 15, thời vua Lê Thánh Tông, địa danh Huế lần đầu tiên xuất hiện. Năm 1636, phủ Chúa Nguyễn đặt ở Kim Long (Huế), tới năm 1687 thì dời về Phú Xuân - thành Nội Huế ngày nay. Vào những năm đầu của thế kỷ 18, Phú Xuân trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của xứ "Đàng Trong". Từ năm 1788 đến 1801, Phú Xuân trở thành kinh đô của triều đại Tây Sơn. Nhà sử học Lê Văn Lan cho biết:  Các vị hoàng đế nhà Nguyễn, đặc biệt là hai vị hoàng đế đầu tiên là Gia Long và Minh Mạng đã rất có lý khi muốn Phú Xuân, khi chuyển Phú Xuân thành kinh đô Huế của cả nước Đại Nam. Huế  lúc đó có  vai trò cực kỳ quan trọng của một trung tâm đầu não về mặt chính trị của cả nước. Một triều đình rất công phu được xây dựng, mà đứng đầu là các vị vua chuyên chế, rồi các bộ máy và các  hạng mục kinh thành cũng đã được thiết kế và ổn định.

Quần thể di tích Cố đô Huế- di sản văn hóa thế giới - ảnh 1 Đại Nội Huế về đêm. Ảnh: khamphahue.com.vn

Từ năm 1802 đến 1945, Huế là kinh đô của nước Việt Nam thống nhất dưới sự trị vì của 13 đời vua nhà Nguyễn. Cũng vào thời gian này, tại đây đã hình thành các công trình kiến trúc lịch sử văn hoá có giá trị. Có thể kể đến ở phía bờ Bắc của con sông Hương là hệ thống kiến trúc biểu thị cho quyền uy của chế độ trung ương tập quyền Nguyễn gồm ba tòa thành: Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử Cấm thành Huế, lồng vào nhau được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc. Hệ thống thành quách ở đây là một mẫu mực của sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây, được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên kỳ thú với nhiều yếu tố biểu tượng sẵn có tự nhiên đến mức người ta mặc nhiên xem đó là những bộ phận của Kinh thành Huế - đó là núi Ngự Bình, dòng Hương Giang, cồn Giã Viên, cồn Bộc Thanh... Hoàng thành giới hạn bởi một vòng tường thành gần vuông với mỗi chiều xấp xỉ 600m với 4 cổng ra vào mà độc đáo nhất thường được lấy làm biểu tượng của Cố đô: Ngọ Môn, chính là khu vực hành chính tối cao của triều đình Nguyễn. Xuyên suốt cả ba tòa thành, con đường Thần đạo chạy từ bờ sông Hương mang trên mình những công trình kiến trúc quan yếu nhất của Kinh thành Huế như: Nghinh Lương Ðình, Phu Văn Lâu, Kỳ Ðài, Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành... Hai bên đường Thần đạo này là hàng trăm công trình kiến trúc lớn nhỏ bố trí cân đối đều đặn, đan xen cây cỏ, chập chờn khi ẩn khi hiện giữa những sắc màu thiên nhiên. 

Quần thể di tích Cố đô Huế- di sản văn hóa thế giới - ảnh 2Du khách đến thăm  Đại nội. Ảnh: tourism.com

Xa xa về phía Tây của Kinh thành nhưng cũng nằm hai bên bờ sông Hương, lăng tẩm của các vua Nguyễn được xem là những thành tựu của nền kiến trúc cảnh vật hóa. Kiến trúc lăng tẩm ở đây mang một phong thái hoàn toàn riêng biệt của Việt Nam. Mỗi lăng vua Nguyễn đều phản ánh cuộc đời và tính cách của vị chủ nhân đang yên nghỉ: lăng Gia Long mộc mạc nhưng hoành tráng giữa núi rừng trùng điệp; lăng Minh Mạng uy nghi bình chỉnh đăng đối giữa rừng núi hồ ao được tôn tạo khéo léo, hẳn có thể thấy được hùng tâm đại chí của một chính trị gia có tài và tính cách trang nghiêm của một nhà thơ quy củ; lăng Thiệu Trị thâm nghiêm, vừa thâm trầm, vừa u uẩn giữa chốn đồng không quạnh quẽ; lăng Tự Ðức thơ mộng trữ tình...

Ngoài ra, những địa danh tô điểm thêm nét đẹp của quần thể di tích Cố đô Huế có thể kể đến là: Sông Hương, Núi Ngự, Chùa Thiên Mụ, Bạch Mã, Lăng Cô, Thuận An... Nhà sử học Lê Văn Lan với những lời khái quát về Huế: Cao Bá Quát từ đầu thế kỷ 19 đã có một tứ thơ, một hình ảnh thơ rất hay về Huế khi ông nói về dòng sông Hương. Dòng sông thơ mộng như thế nhưng ông lại nhìn dòng sông ấy như một thanh kiếm chĩa ngược lên trời xanh. Thực chất của Huế là có bản lĩnh đó, thơ mộng, êm ái, thuận hòa đấy nhưng cũng rất dữ dội đấy. Cuộc cách mạng tháng Tám bùng nổ ở Huế tuân theo quy luật  và hình ảnh vua Bảo Đại  trao ấn kiếm cho phái đoàn chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa chính là nét biểu thị của một Huế kinh kỳ, thơ mộng, văn hiến nhưng cũng rất dữ dội quyết liệt khi cần thiết.

Tại phiên họp lần thứ 17 của Uỷ ban Di sản thế giới tại Colombia năm 1993, UNESCO khi quyết định công nhận quần thể di tích Cố đô Huế là di sản văn hoá của nhân loại, đã khẳng định giá trị mang tính toàn cầu của quần thể di tích Cố đô Huế. Theo đó, quần thể di tích Cố đô Huế tiêu biểu cho những thành tựu nghệ thuật độc đáo, là những kiệt tác do bàn tay con người tạo dựng, có giá trị to lớn về mặt kỹ thuật xây dựng và nghệ thuật kiến trúc. Cố đô Huế cũng là một quần thể kiến trúc tiêu biểu của một thời kỳ lịch sử quan trọng, có sự kết hợp chặt chẽ với các sự kiện trọng đại, những tư tưởng và tín ngưỡng có ảnh hưởng lớn và các danh nhân lịch sử. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác