Sinh động không gian văn hóa Đình Đồng Lạc

(VOV5) - Đình Đồng Lạc đã khoác lên mình không gian văn hóa mới nhưng vẫn còn đó toàn bộ kiến trúc của một ngôi đình cổ.

Kể từ đầu năm 2017, di tích Đình Đồng Lạc trong khu phố cổ Hà Nội đã được kiến tạo thành một không gian lưu giữ và giới thiệu những vẻ đẹp truyền thống đã bị lãng quên và những vẻ đẹp mới trong sáng tạo nghệ thuật. Đây cũng là nơi diễn ra các cuộc giao lưu giữa các trí thức, nghệ sỹ với công chúng quan tâm đến văn hóa nghệ thuật và các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.

Sinh động không gian văn hóa Đình Đồng Lạc - ảnh 1Đình Đồng Lạc vốn là di sản của Hà Nội. Nơi đây thờ vọng thần Cao Sơn, Linh Lang, Bạch Mã, còn là nơi bán các sản phẩm yếm lụa từ thời Lê - thế kỷ thứ XVII (Ảnh TPO) 

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Một chiều tháng 10 tại Đình Đồng Lạc, ở số 38 Hàng Đào, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trong không gian đôi lúc yên ả, đôi lúc du dương tiếng dương cầm, nghệ sỹ Quốc Trung như đang thủ thỉ kể chuyện với một nhóm khoảng 20 người đủ mọi lứa tuổi, về việc làm bạn với âm nhạc, như một cách để thưởng thức cuộc sống tuyệt diệu này. "Như tôi đã nói âm thanh có sức tác động lớn. Tiếng đàn piano là một âm sắc làm cho người ta cảm thấy rất romantic. Một bản giao hưởng mà ta nghe vào buổi sáng thì sẽ giúp ta tràn đầy năng lượng"

Sinh động không gian văn hóa Đình Đồng Lạc - ảnh 2Một số sản phẩm được trưng bày tại không gian văn hóa Hanoia 38 Hàng Đào (Ảnh TPO) 

“Âm nhạc – “người bạn” cuối cùng” chỉ là một trong số các chủ đề mà Công ty trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Tam Sơn tổ chức vào mỗi tuần thứ hai của tháng, kể từ khi họ tạo lập Không gian văn hóa Hanoia tại Đình Đồng Lạc. Không gian văn hóa mang tính tương tác cao này đã khiến Đình Đồng Lạc trở thành một di sản sống động hơn bao giờ hết. Anh Nguyễn Thanh Bình, phụ trách thương hiệu Hanoia, cho biết:

"Các chủ đề có tính chất chuyên sâu. Không chỉ chuyên sâu một cách hàn lâm mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày. Ví dụ khi dịp Tết thì chúng tôi trao đổi về cách bày biện bàn thờ ngày Tết. Hay là có những dịp mà mọi người cần biết là nên trao và nhận những món quà như thế nào.

Hoặc có những lần, chúng tôi tổ chức chủ đề về phong cách cá nhân để trao đổi một cách tự nhiên, thoải mái về phong cách cá nhân làm sao để sống một cách thoải mái, tự nhiên nhất. Hay như lần này thì chúng tôi lại nói về âm nhạc. Số tháng 11 tới, chúng tôi sẽ nói về di sản. Hiện tại, chúng tôi đang chuẩn bị nội dung là di sản các đình cổ ở khu vực phố cổ Hà Nội."

Sinh động không gian văn hóa Đình Đồng Lạc - ảnh 3Chương trình Không gian Văn hóa Hanoia sẽ tổ chức định kỳ vào các chiều ngày thứ sáu của tuần thứ hai trong mỗi tháng, với nhiều hoạt động thú vị. 

Cùng với những buổi trao đổi, tương tác về các chủ đề văn hóa, trong Không gian văn hóa Hanoia tại Đình Đồng Lạc còn trưng bày, giới thiệu những sản phẩm thủ công cao cấp kết tinh từ vốn sống phong phú và tay nghề tài khéo của những nghệ nhân xuất sắc của Việt Nam, như: sơn mài, lụa lãnh Mỹ A, giấy dó, đồ thêu tay... Khách nước ngoài đến đây luôn được giới thiệu để hiểu biết kỹ lưỡng về những sản phẩm này.

 Là "Ngôi nhà di sản" của Hà Nội, đình Đồng Lạc thờ vọng thần Cao Sơn, Linh Lang, Bạch Mã, cũng là nơi bán các sản phẩm yếm lụa từ thời Lê - thế kỷ thứ XVII. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, cuộc trùng tu cuối cùng vào năm 2000 đã mang đến cho đình một diện mạo mới, với tấm bia đá dựng năm 1856  trên đó còn ghi rõ: "Đình chợ có bán yếm lụa do hiệu chủ Nguyễn Công Trung và vợ là Nguyễn Thị Từ Thiết xây dựng từ thời Lê".

Nhưng tấm bia đá 150 năm tuổi, rồi cả kỹ thuật xây dựng truyền thống, kết hợp với kỹ thuật tôn tạo hiện đại, một số họa tiết trang trí, cũng chưa đủ nói hết về những giá trị văn hóa, lịch sử lớn của Đình Đồng Lạc. Việc du khách lưu lại lâu cũng như quay trở lại Đình Đồng Lạc là rất hiếm hoi. Nhưng với Không gian Văn hóa Hanoia, Đình Đồng Lạc nay trở thành một điểm đến hấp dẫn. Chị Nguyễn Kim Nhung, Giám đốc marketing của Hanoia, tự hào cho biết:

"Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm và Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã có cơ duyên kết hợp với Hanoia để làm cho ngôi đình có thêm vẻ đẹp lộng lẫy của một đình cổ mà không thiếu đi sự uy nghi. Chúng tôi vẫn giữ không gian thờ cúng ở tầng hai và thể hiện lịch sử của ngôi đình chợ ở tầng 1, đồng thời tôn vinh ngành nghề thủ công mỹ nghệ tinh hoa Việt với hàng sơn mài, hàng mây tre, hàng đá trang sức.

Đình Đồng Lạc đã khoác lên mình không gian văn hóa mới nhưng vẫn còn đó toàn bộ kiến trúc của một ngôi đình, từ cánh cửa với dòng chữ “Đồng Lạc quyến yếm thị”, đến những câu đối cổ được đặt khắp nơi trong nhà.

Khoảng sân sau vẫn trồng hoa cỏ,hẹp và thắt lại theo kiến trúc chung của những ngôi nhà ở phố Hàng Đào. Kết cấu mái với cột đỡ hình đầu rồng nguyên bản vẫn phủ bóng thời gian. Với cách bài trí tinh tế của Hanoia, tinh hoa sơn mài Việt hiện diện sang trọng trên những chiếc bàn sơn mài tuyệt mỹ.

Bên trong những chiếc bình cẩn trứng cầu kỳ, những bộ nữ trang tinh tế, những hộp trà, cơi trầu đầy họa tiết tinh xảo... là cả những câu chuyện kể bất tận về ký ức và một vùng văn hóa Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác