Đông Nam Á chung tay giải quyết tình trạng không quốc tịch, đảm bảo quyền lợi cho mọi người dân

(VOV5) - Những ý kiến, đề xuất tại tọa đàm sẽ giúp các nước tìm được phương hướng giảm thiểu tình trạng không quốc tịch, giải quyết các trường hợp không quốc tịch riêng lẻ.

Có quốc tịch là cơ sở đầu tiên để một người được hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ công dân. Tuy nhiên, tình trạng không quốc tịch hiện vẫn là một thách thức đối với các quốc gia, đòi hỏi phải có sự chung tay hợp tác để tìm hướng giải quyết.
Đây là nhận định chung được đưa ra tại “Toạ đàm quan chức cấp cao Đông Nam Á về đăng ký hộ tịch, giấy tờ nhân thân và ngăn ngừa tình trạng không quốc tịch”, diễn ra hôm nay (25/10), tại Hà Nội.
Sự kiện do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Văn phòng Cao uỷ Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) khu vực châu Á – Thái Bình Dương đồng tổ chức. 

Đông Nam Á chung tay giải quyết tình trạng không quốc tịch, đảm bảo quyền lợi cho mọi người dân - ảnh 1Ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: VOV

Đánh giá quá trình giải quyết vấn đề về quốc tịch, nhân thân cho người dân tại các nước Đông Nam Á, các đại biểu cho rằng mỗi quốc gia đều đã đạt được những bước tiến đáng kể. Trong đó, Việt Nam đã giải quyết gần 9.000 trường hợp không quốc tịch vào năm ngoái; Malaysia cũng giải quyết được gần 40.000 trường hợp; Thái Lan đã tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ công, giáo dục và chăm sóc sức khoẻ cho những người chưa có quốc tịch…

Ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, cho biết: “Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo đảm quyền có quốc tịch Việt Nam cho mỗi cá nhân, hạn chế tình trạng không quốc tịch, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Việt Nam hiện đã có một khung pháp lý tương đối thuận lợi để giải quyết quốc tịch cho một số lượng lớn người không quốc tịch trên lãnh thổ Việt Nam. Cùng với nỗ lực hoàn thiện pháp luật trong nước, Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng để giải quyết các vấn đề liên quan đến người không quốc tịch”. 

Với 4 phiên thảo luận chính, những ý kiến, đề xuất tại tọa đàm sẽ giúp các nước tìm được phương hướng giảm thiểu tình trạng không quốc tịch, giải quyết các trường hợp không quốc tịch riêng lẻ; đăng ký khai sinh, chứng nhận và các giấy tờ định danh; đưa ra các biện pháp bảo vệ pháp lý ở cấp quốc gia và quốc tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác