Hà Nội bảo đảm quyền cho người bị tạm giữ, tạm giam

(VOV5) - Trại tạm giam số 1 (quận Nam Từ Liêm) và Trại giam số 2 (huyện Thường Tín), thành phố Hà Nội đang quản lý và giam giữ khoảng 6.000 bị can, phạm nhân. 

Tại đây, người bị tạm giữ, tạm giam được đảm bảo quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp theo đúng tinh thần của Hiến pháp và pháp luật.

Mỗi cán bộ, chiến sĩ ở 2 Trại tạm giam Công an thành phố Hà Nội nhận thức việc đảm bảo quyền, nghĩa vụ cũng như các lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam là trách nhiệm của mình. Thượng tá Phạm Chiến Thắng, Phó Giám thị Trại tạm giam số 1 Công an thành phố Hà Nội, cho biết: "Tất cả người bị tạm giữ, tạm giam khi nhập trại được các cán bộ nhiệm phổ biến quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam, nội quy cơ sở giam giữ cho họ biết để thực hiện nghiêm túc. Các chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam được trại công khai, niêm yết ở tất cả các buồng giam. Người bị tạm giữ, tạm giam được tham gia bầu cử, tiếp xúc lãnh sự, được quyền gặp gia đình. Trong thời giam tạm giam được gặp gia đình 1 tháng/lần".
Hà Nội bảo đảm quyền cho người bị tạm giữ, tạm giam - ảnh 1Người bị tạm giam đọc báo ở Trại tạm giam số 1. Ảnh: Ngọc Anh

Tất cả người tạm giữ, tạm giam đều được khám bệnh ngay khi bắt đầu vào trại. Trung tá Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Bệnh xá Trại tạm giam số 2 Công an thành phố Hà Nội, cho biết: "Tất cả người bị tạm giam, tạm giữ đều được khám sức khỏe, phân loại theo từng bệnh rõ ràng. Trường hợp nào cần thiết phải theo dõi hằng ngày được đề xuất đưa xuống bệnh xá để điều trị, khám bệnh, cấp phát thuốc hằng ngày. Trường hợp nào vượt quá khả năng điều trị của Trại thì được đưa lên bệnh viện tuyến trên chữa bệnh".

Bị bệnh tim và phổi, đang thụ án hơn 3 năm tù ở Trại tạm giam số 2 Công an thành phố Hà Nội, phạm nhân nam NDT, quê ở Hà Nội, được Trại đưa đi bệnh viện chữa bệnh và sức khỏe đã ổn định.

Hà Nội bảo đảm quyền cho người bị tạm giữ, tạm giam - ảnh 2Phạm nhân được khám chữa bệnh ở trại tạm giam số 2. Ảnh: Ngọc Anh

Phạm nhân NDT xúc động bày tỏ: "Tôi hoàn cảnh khó khăn, không có gia đình, tất cả chỉ còn biết trông chờ vào chế độ của trại. Các bác sĩ ở trại sáng khám bệnh, chiều cho uống thuốc. Tôi thấy chế độ trại giam rất tốt, có tình người. Tôi xin cảm ơn sự quan tâm của các quản giáo, nếu không có họ thì tôi thực sự không thể sống được."

Trong trại, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được đảm bảo tiêu chuẩn định lượng về lương thực, thực phẩm, điện, nước… theo quy định của pháp luật. Phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ được suất ăn cao gấp 2 lần so với người bình thường. Vào ngày lễ, Tết, Quốc khánh…, các cơ sở giam giữ đều tăng thêm khẩu phần ăn của bị can, phạm nhân hơn ngày thường. Bị can nữ NTMH, quê ở Hà Nội, bị tạm giam ở Trại tạm giam số 1 Công an thành phố Hà Nội, cho biết: "Chế độ ăn uống 1 tháng được 17 kg gạo, 15 kg rau, 1 kg thịt và cá, đường 0,5 kg, bàn chải thuốc đánh răng, khăn mặt 3 tháng cấp 1 lần. Hằng ngày, chúng tôi được phát báo đọc. Bản thân tôi và các chị em trong buồng giam cơ bản không thiếu gì, yên tâm tư tưởng trong thời gian bị tạm giam ở đây".

Để đảm bảo quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, Công an thành phố Hà Nội đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tại cơ quan điều tra và các cơ sở giam giữ. Trung tá Cao Trương Hoàn, Phó trưởng Phòng PC01 (Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra), Công an thành phố Hà Nội, cho biết: "Công an thành phố Hà Nội đảm bảo 100% các cuộc hỏi cung đều được ghi âm, ghi hình. Nếu bị can, bị cáo đề nghị mời luật sư bào chữa thì chúng tôi đảm bảo quyền này cho bị can, bị cáo hoặc. Nếu gia đình bị can, bị cáo không mời luật sư bào chữa chúng tôi đề nghị Liên đoàn luật sư Việt Nam, đoàn luật sư thành phố Hà Nội trợ giúp pháp lý, đảm bảo quyền lợi cho bị can, bị cáo là quyền được bào chữa".

Ngoài việc đảm bảo sức khỏe, điều kiện sinh hoạt cho người bị tạm giữ, tạm giam, các cán bộ quản giáo ở 2 Trại tạm giam Công an thành phố Hà Nội không quản vất vả để kiên trì giáo dục người phạm tội.

Trung tá Trần Ngọc Duy, cán bộ quản giáo ở Trại tạm giam số 1 Công an thành phố Hà Nội, bộc bạch: "Cán bộ quản giáo chúng tôi thực hiện “4 biết”, gồm: biết mặt, biết tên, biết hoàn cảnh gia đình và biết lai lịch, hành vi dẫn đến phạm tội. Căn cứ vào đó thực hiện tốt nhiệm vụ. Với can phạm chưa đủ tuổi thành niên chúng tôi có khu giam riêng, chế độ ăn ưu tiên hơn, trong quá trình đi cung, đi tòa có người giám hộ".

Tới thăm gặp người thân bị tạm giam ở Trại tạm giam số 2 Công an thành phố Hà Nội, chị Lê Thùy Linh, quê ở tỉnh Bắc Ninh, bày tỏ: "Đến đây thủ tục thăm gặp dễ dàng. Cán bộ trại hướng dẫn tận tình, chỉ cần đưa sổ thăm gặp phạm nhân là được vào thăm gặp phạm nhân".

Bằng lòng nhân ái và bao dung, những cán bộ, chiến sĩ của 2 Trại tạm giam số 1 và số 2 Công an thành phố Hà Nội đã cảm hóa, giáo dục nhiều bị can, phạm nhân cải tạo tốt, giúp những mảnh đời lầm lỗi, hoàn lương, làm lại cuộc đời.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác