Huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam phát huy vai trò người có uy tín

(VOV5) - Diện mạo huyện Tây Giang ngày càng đổi thay, khởi sắc, đời sống người dân từng bước được nâng cao, văn hóa truyền thống của các dân tộc được gìn giữ và phát huy.

Tây Giang là huyện miền núi ở phía Tây Bắc tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Tam Kỳ khoảng 190 km, giáp với Lào. Nơi đây có 10 dân tộc anh em đang cùng sinh sống, trong đó dân tộc Cơ Tu chiếm khoảng 95% dân số. Thời gian qua, người có uy tín ở huyện Tây Giang tiên phong, gương mẫu, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Hiện, huyện Tây Giang có khoảng 70 người có uy tín ở 10/10 xã. Người uy tín ở địa phương thuộc nhiều thành phần trong xã hội, trong đó có rất đông người là già làng, trưởng bản, cán bộ hưu trí, cán bộ công tác tại thôn, xã…

Huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam phát huy vai trò người có uy tín  - ảnh 1Già Bríu Pố, người có uy tín ở xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Ngọc Anh

Họ nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu và phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong cộng đồng, nhất là tại nơi mình sinh sống.

Ông Hốih Xấc, người có uy tín ở thôn Arớt, xã Lăng, huyện Tây Giang, cho biết: "Được nhân dân tín nhiệm, tôi thường xuyên vận động bà con chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không đi theo cái xấu. Tôi tuyên truyền bà con cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế cho no đủ, giàu có. Trong cuộc họp thôn, phải nói cho bà con hiểu, có khi gặp riêng để nói, đến tận nhà tuyên truyền. Cứ điều gì có lợi cho cộng đồng thì tôi tuyên truyền."

Huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam phát huy vai trò người có uy tín  - ảnh 2Bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tây Giang. Ảnh báo điện tử Quảng Nam

Già Bríu Pố, người dân tộc Cơ Tu ở xã Lăng, chia sẻ: "Trong các cuộc họp thôn, tôi phổ biến cho bà con làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Theo tôi, phải coi đói nghèo là giặc. Tôi trồng cây ba kích từ năm 2007. Tôi là người đầu tiên bảo tồn được gen cây ba kích bản địa. Diện tích ba kích hiện nay của tôi là 1,3 ha, bán giá 500 ngàn đồng/kg (gần 21 USD/kg), 1 năm thu nhập hơn 100 triệu đồng (hơn 4.120 USD). Kết quả tốt, tôi hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ba kích cho bà con trong thôn. Trồng cây ba kích chắc chắn xóa được đói, giảm được nghèo. Trong thôn, ít nhất hiện nay có từ 65% đến 70% số hộ dân giảm được nghèo đói nhờ trồng cây ba kích. Tôi nói với bà con thực hiện tốt pháp lệnh dân số kế hoạch hóa gia đình, đẻ từ 1 đến 2 con thôi, không nên đẻ dày, đẻ nhiều."

Việc người có uy tín trên địa bàn huyện phát huy vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đã góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Nhờ có họ tham gia, công tác tuyên truyền mới có hiệu quả.

Trung tá Ating Chơn, Trưởng công an xã Lăng, cho biết: Vai trò của già làng, trưởng bản rất quan trọng. Họ nói là con cháu nghe. Công an xã trước khi làm việc gì với một thôn, xóm nào thì chúng tôi bao giờ cũng mời già làng cùng đến và già làng nói trước, chúng tôi nói sau thì bà con nghe theo, chấp hành tốt. Muốn làm gì nên hỏi già làng trước, sau đó mình tuyên truyền mới có kết quả cao. Hai bên phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ."

Để phát huy hơn nữa vai trò người có uy tín trên địa bàn, chính quyền huyện Tây Giang thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, biểu dương khen thưởng kịp thời những người uy tín có nhiều đóng góp ở địa phương. Đồng thời, tổ chức cho họ đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm của các địa phương trong và ngoài tỉnh Quảng Nam. Nhờ đó, kinh tế, xã hội huyện Tây Giang ngày càng đi lên.

Ông Bhling Mia, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Giang, cho biết: "20 năm qua, từ một huyện 5 không (không có đường, điện, trường học, trụ sở làm việc, trạm y tế) bây giờ, cuộc sống huyện ở phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Nam thay đổi, phát triển. Đây là thành quả lớn. Có được như vậy là nhờ sự đồng hành của già làng, trưởng bản, người có uy tín."

Những người có uy tín ở huyện Tây Giang đã cống hiến công sức trong xây dựng địa phương, là chỗ dựa tinh thần cho người dân xây cuộc sống ấm no, yên bình. Nhờ họ, diện mạo huyện Tây Giang ngày càng đổi thay, khởi sắc, đời sống người dân từng bước được nâng cao, văn hóa truyền thống của các dân tộc được gìn giữ và phát huy.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác